Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Ngắm sông Hương cùng Nón




(viết tặng Quý, Bình và một buổi chiều ấm áp nhớ về tuổi thơ)
(viết để cám ơn mấy lon Huda, mấy bì đậu phụng)



Nói trước là không bằng cách Trở lại Huế thương của An Thuyên với bài thơ khắc trong chiếc nón, rồi thả xuống dòng sông Hương vì cách ni thì không khéo góp phần gây ô nhiễm.

Có muốn thả gì đó thì phải chăng chỉ nên ở chừng mực như câu thơ ai đó ở Huế từng viết ai cõng buổi chia tay ra sông/ để rồi trôi mãi…

Nón là tên trung tâm trải nghiệm Huế xưa – Huế nay, nằm trên cái cồn kế bên Đập Đá, mà nôm na địa chỉ là Bãi Bồi, Đập Đá, phường Vỹ Dạ, Huế.

Ai từng về thôn Vỹ Dạ với âm mưu tìm áo em trắng quá nhìn không ra hoặc xem ở đây sương khói mờ nhân ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử chắc biết ngay vị trí này. Một vị trí đắc địa để nhìn ngắm một khúc sông Hương lúc bình thường thì nhẹ nhàng như nhôm nhựa (câu này dân Huế hay nói), lúc lụt lội thì dữ dội như gái Huế nổi cơn ghen.

Nón - tận dụng cái bãi bồi tưởng chừng chỉ để bỏ hoang - thành một nơi trải nghiệm nhiều điều cho dân Huế và cho người yêu Huế. Cái ý tưởng này, thiệt lòng, ai yêu Huế, phải nói một lời cám ơn. Kèm theo lời cám ơn đó là cầu mong Nón làm được điều Nón đặt ra.

Trước mắt, với vị trí này, ta trải nghiệm Huế bằng cách nhâm nhi một ly cà phê sáng, nhìn ngắm một khúc sông Hương, và giá mà nghe được văng vẳng cái giọng hò Mái nhì câu ca dao ni nữa thì quả tuyệt: Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá/ Đò về Vỹ Dạ, thẳng ngả ba Sình/ Là đà bóng ngả trăng chênh/ Giọng hò xa vọng, nặng tình nước non.

Cái tứ trăng chênh cũng đã gợi ý thêm một thời điểm khác để nhìn ngắm sông Hương, lúc đêm về, khi chiều tà. Cái hoàn cảnh chiều chiều tối tối có vẻ không hợp lắm với cà phê thì Nón có bia Huda cho khách. Một vài lon Huda, kèm một bì (tức bịch) đậu phụng (tức đậu phộng) với mè, sả đủ để nhâm nhi với ánh trăng vàng. 

Trải nghiệm Huế dĩ nhiên không thể chỉ bia Huda với đậu phụng kiểu Huế là đủ. Người-trải-nghiệm có thể gọi thêm những món khác, kiểu Huế cũng có, mà kiểu lai lai Huế cũng có.

Nón – cũng là gợi ý thú vị để trai gái tỏ tình, bởi ở nơi gió mát trăng thanh, thay vì nói kiểu: Ở đây gió mát trăng thanh/ Làm chi làm lẹ đi anh, em về/ Trăng lên cao đó rồi tề/ Làm chi làm lẹ em về mạ la thì người-đang-yêu có thể nhanh miệng biến tấu cái câu hò mái nhì trên thành: Là đà bóng ngả trăng chênh/ Giọng hò xa vọng, nặng tình nước non thành nặng tình đôi ta, chắc chưa đầy 30 giây sau bóng ngả trăng chênh cũng có thể sửa thành em ngã vô anh.

Nhắm chừng chưa được nữa thì bồi tiếp một câu khác: Trúc xa mai thì hoài lứa trúc/ Anh hỏi mai rằng đã có nơi mô nương tựa hay chưa?/ Có nơi mô nương tựa khi nắng khi mưa,/ Hay còn ôm duyên đi sớm về trưa một mình?

Chắc cũng chỉ 31 giây là gái hoặc trai phải đáp lời rằng: Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió,/ Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình./ Đoái nhìn sông Hương nước chảy xinh xinh./ Sông bao nhiêu nước dạ em si tình bấy nhiêu.

Tỏ tình xong, một thời gian sau chắc phải lỡ dại tính chuyện cưới xin, chứ ông bà mình cũng nói rồi: Đêm khuya anh nghe con nhạn kêu sương,/ Anh buồn, anh thương, anh trông, anh giận,/ Anh vơ vơ vẩn vẩn dưới ngọn đèn tàn,/ Từ đây tâm dạ anh hoang mang,/ Biết cùng ai kết nghĩa vuông tròn được chăng!

Thì Nón cũng đáng là nơi để làm một cái đám cưới kiểu cung đình cũng được, kiểu dân dã cũng hay. 

Cưới xin xong, giống ngắn ngày hay đúng hạn, cũng có một thế hệ nối tiếp. 

Ngày theo ngày đứa trẻ lớn lên, trong cái khoảng thời gian đó, Nón làm giàu tuổi thơ bằng một khoảng sân rộng cho trẻ tung tăng chạy nhảy, ngồi chơi đồ hàng, hay vào xem rối nước.

Và mai sau, đám trẻ lớn lên lại lãng mạn cà phê sáng, tỏ tình ly kem chiều với Nón. 

Chúc Nón tồn tại qua nhiều nhiều thế hệ để điệp khúc trải nghiệm Huế xưa - Huế nay cứ rứa có hoài.

-------

Những câu in nghiêng trích trên đây, hoặc là ca dao, hoặc là của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, của cụ Bửu Lộc.

Riêng cái câu
Ở đây gió mát trăng thanh/ Làm chi làm lẹ đi anh, em về/ Trăng lên cao đó rồi tề/ Làm chi làm lẹ em về mạ la
thì câu đầu của mình chế ra từ câu sau; câu sau của ai thì không biết, nhưng được sản xuất đời nay (trong thập niên 1990 trở đi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét