Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Nào làm thơ nào


Bấy lâu mình đã nằm chay
Đến hồi nằm mặn thấy ngay sai lầm
Mặn chay là ở trong tâm (*)

*Version đầu tiên của bài nay không mặn đến thế ở chữ nằm, mà nó chay hơn ở chữ ăn, theo cà khịa của một người bạn thì nên sửa ăn thành nằm cho nó máu.

Cuộc đời duyên nợ, nợ duyên
Quanh đi quẩn lại thuyền quyên anh hùng
Cộng thêm một số đứa khùng

Trên đây là hai bài thơ mới nhất của dự định kiến tạo cái gọi là trào lưu thơ ba câu (ăn theo haiku của Nhật Bản). Có một số bài khác nữa đã làm trong đầu trên đường chạy xe từ nhà đến chỗ này chỗ kia và từ chỗ này chỗ kia về nhà.... nhưng giờ thì đã quên.

Nhân nói về cái trào lưu thơ ba câu, lại nhớ cái thời nổi hứng làm thơ thất bát, kiểu như là: Tôi yêu em, tôi rất yêu em/ Mà sao em lại chẳng thèm yêu tôi.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Cái bẫy suy tưởng của Ngày của kiến

>> lười đọc dài và lằng nhằng như bên dưới thì vào đây.

Hãy bắt đầu bằng một câu đố: Dùng 6 que diêm để xếp được 6 tam giác. Đó chỉ là một trong những trò thử thách trong chương trình truyền hình Bẫy suy tưởng được giới thiệu trong Ngày của kiến – một cuốn sách đầy hấp lực đợi chờ chinh phục người đọc ngay từ những trang đầu tiên.

Đó là hành trình thập tự chinh của một binh đoàn kiến đến từ Bel-o-kan tấn công Ngón Tay (tức loài người chúng ta). Đó là những vụ án ly kỳ với nhiều nạn chân chết mà thủ phạm cứ như là người vô hình. Đó là những nỗ lực “truyền giáo” đã gặt hái được kết quả: Ngón Tay là vị chúa trời của kiến… để kiến cũng có con hữu thần, con vô thần. Xã hội kiến và/hay xã hội người vừa khác nhau, vừa giống nhau, tất cả đã đan xen lẫn lộn như thực tế tồn tại vẫn thế: tỷ tỷ con kiến với vài tỷ con người. Nhưng ai, kiến hay người mới thực sự là chủ nhân của trái đất? Chúng ta là Chúa của kiến hay là những sinh vật nguy hiểm đe dọa cuộc sống của chúng? Thậm chí, kiến, mối, hay gián, hay chuột, hay loài người mới thực sự là xã hội văn minh, hoàn hảo?

Sau cuốn sách đầu tiên, Kiến, đã giới thiệu đến người đọc về một nền văn minh đầy kinh ngạc của loài kiến, nhà văn người Pháp Bernard Werber lại tiếp tục dẫn dụ người đọc trả lời một câu hỏi mới: Liệu có phải đã đến Ngày của kiến?. 


Cùng với câu hỏi ấy là nhiều câu hỏi triết học khác: Loài người chúng ta là ai, ở đâu trong vũ trụ này? Có thật đúng như trong mắt chú kiến 103, nhân vật chính của truyện, loài người hiểu biết rất kém về thiên nhiên quanh mình, và cứ tưởng mình là động vật thông minh duy nhất? (trang 632) Loài người bên cạnh 5 giác quan thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác phải chăng còn cần phải rèn luyện để phát triển 5 “giác quan tâm lý” khác là cảm xúc, trí tưởng tượng, trực giác, nhận thức vũ trụ, và cảm hứng như lời dạy của ông bố Jonathan dành cho cậu con trai Nicolas ở ngay dưới lòng đất? (trang 488) Cả những suy tư của kiến, “đâu là thời điểm tốt đẹp nhất? Đâu là điều thú vị nhất nên làm? Đâu là bí mật của hạnh phúc?” có phải cũng chính là trở trăn của loài người bao đời nay? (trang 466) Hay những suy tư của con người cũng đã mặc định theo kiểu giống nhau bằng cách quy mọi thứ theo các chuẩn mực và giá trị mà họ đặt ra, bởi họ hài lòng và tự hào về bộ não của họ? (trang 512)


Bẫy suy tưởng hay là những câu hỏi không ngừng về cách giải quyết vấn đề của cuộc đời, cuốn bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối hay là những lời giải đáp về vạn vật, chiếc máy thông dịch Đá hoa thị hay là cuốn từ điển Pháp – kiến, các sáng tạo ấy của Bernard Werber được xem như những đường chỉ, những nút cài, những móc nối kết dính hành trình khám phá, chinh phục của kiến, của người, và kết dính cả sự thấu hiểu lẫn nhau của người, của kiến. 


Khép lại 664 trang sách, để biết được kết cục số phận của những nhân vật từng mất tích trong lòng đất ở cuốn Kiến, để trả lời được câu hỏi liệu đã đến ngày của kiến, để sau đó cũng để hiểu tại sao người ta nói rằng Bernard Werber đã sáng tạo ra một phong cách văn chương mới: tiểu thuyết khoa học giả tưởng cùng chuyện kể triết học, tại sao cuốn sách này được dịch thành nhiều thứ tiếng, và được đưa vào chương trình giảng dạy ở Pháp về ngôn ngữ, triết học… thậm chí cả toán học.


Trở lại với câu đố ở trên: Dùng 6 que diêm để xếp được 6 tam giác, xin để lời giải dành cho bạn đọc tiếp tục động não, hoặc tò mò khám phá cùng trang sách. Và đây là những gì bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II của Edmond Wells gợi ý: Số sáu là con số đẹp để có thể xây dựng một công trình kiến trúc. Số 6 là số của sự Sáng Tạo… và ngôi sao David của người Do Thái tượng trưng cho sự hợp nhất tất cả các yếu tố trong vũ trụ. (trang 554).

Bạn đã sẵn sàng với 6 que diêm? Hay sẵn sàng phiêu lưu cùng Ngày của kiến?

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Đi lạc

Có những ngày trực, tương đối rảnh rỗi tí nhờ ít việc, nhưng chẳng thể làm việc gì có được sự tập trung cao độ... đúng kiểu môn ra môn, khoai ra khoai, tôi lại cho phép mình (chứ chẳng lẽ đợi sếp cho phép tôi) lượn lờ một số blog yêu thích, đọc này đọc kia.
Và thường thì nhờ vào những lúc như thế, tôi đi lạc qua blog người nọ người kia, bởi như một chân lý thuộc vào hàng danh ngôn tôi từng phát biểu: những người thú vị, thế nào họ cũng chơi với nhau, kiểu ngưu tầm trâu, mã tầm ngựa ấy.
Lắm lúc như thế, tôi đọc say sưa quên cả việc mình đang làm là trực. Rồi cũng sực nhớ ra, mình đang trực, thế là cáu tiết trở lại với việc trực.
Mạch đọc đã bị cắt ngang bởi những thứ tầm xàm, khó chịu lắm, nhưng dễ gì chui tọt vào lại cái cảm xúc đã có và đã mất ấy.
Biết làm sao hơn!
"Biết làm sao hơn!", câu này cũng na ná như cái câu mà thời gian gần đây tôi rất hay dùng "cũng không biết nói sao".
Đúng là những chuyện không biết nói sao thật, và thật lười suy nghĩ để nghĩ ra cách nói sao.
Tôi nghiệm ra là, có những điều mình suy nghĩ thật kỹ, nói ra vẫn trật. Có những điều mình buột miệng nói ra, càng trật... Đằng nào cũng trật, thật là cũng không biết nói sao.
Như những dòng lảm nhảm này, thoạt đầu chỉ định nói về chuyện nhiều khi ngồi làm việc mà lạc qua blog này, blog nọ... thế rồi lạc đến mức viết linh tinh thế này đây. Sau đó lại đá qua cả chuyện nói trật, và rất trật.
Vì sao như thế?!
Ôi, chẳng biết nói sao!