Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Một bài mới được khai quật



A lô, nỗi nhớ là tôi
Đầu dây phải tiếng mày cười đó không
A lô, lòng đợi tiếng lòng
Đầu dây đợi phút nụ hồng hé môi
Tiếng chuông reo ngỡ tiếng cười
Tiếng lòng những tưởng là lời mày trao
A lô, nỗi nhớ ngọt ngào
Và tôi mơ giấc chiêm bao giữa ngày

(*) Cái chỗ chữ mày, có thể thay anh/em hoặc tên vô cho phù hợp
 

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Ba trợn thơ



Xin đời một chút trăng hoa
lá. Cây cành nữa rất là thiên nhiên
Xin thêm một chút khùng điên
ba trợn. Đủ kiểu thần tiên nhé đời.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Rượu, thơ, tình



Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp mặt nhau tán chuyện rượu, thơ, tình

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Về những cái cây





Tác phẩm này có tên Colonnes de Buren (Những cây trụ của Buren) của tác giả Nguyễn Xuân Khánh ở triển lãm ảnh 
Lang thang với Pháp (diễn ra từ ngày 14-7 đến 14-8 tại Idecaf)

Tôi nhờ T. L chụp lại Những cây trụ của Buren bởi khi vừa thấy bức ảnh này, tôi lập tức liên tưởng ngay đến những cái cây đã bị đốn hạ ở trước Nhà hát TP.HCM cho dự án xây nhà ga metro. 

Tôi không biết trước khi tiến hành dự án này, người ta có nghĩ đến xử lý cái cây như thế nào không, hay chỉ đơn giản là chặt chúng đi. Nếu có nghĩ đến, có bàn bạc... biết đâu được người ta cũng có thể sẽ giữ lại ít nhất một cây (thay vì đốn tất) hoặc có đốn tất, cũng tính được một giải pháp nào đó hậu đốn cây.

Ví dụ như là, giữ lại những thanh gỗ này (gỗ chứ không phải củi) để xử lý nó thành những cái bục, cái ghế sau này cho du khách nghỉ chân trước khi leo lên metro. Hoặc cũng có thể xử lý chúng thành những tấm bảng chỉ đường, những cây trụ treo những hòm thư góp ý… Dĩ nhiên, có ghi chú, rằng những vật dụng này là sản phẩm làm ra từ chính những cái cây đã bị đốn hạ vào ngày x tháng 7 năm 2014.

Tôi nghĩ đó là cách (mất công chút) làm trả ơn thiết thực cho những cái cây cổ thụ đã dành cả trăm năm đời mình đem lại bóng mát cho đời, và cũng là cách để níu giữ những cảm xúc cho chúng ta.

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Michel Houellebecq bị bắt cóc



Theo tờ El País, nhà văn Pháp nổi tiếng Michel Houellebecq, mà độc giả Việt Nam có thể biết đến qua những tác phẩm như Bản đồ và vùng đất (giải Goncourt 2010), Hạt cơ bản… đột nhiên biến mất. 



(Bản đồ và vùng đất; Hạt cơ bản - Những cuốn sách tiếng tăm đã đem lại tai tiếng cho dịch giả Cao Việt Dũng, hihi.)

Và vụ biến mất này diễn ra trong năm... 2011, trong một bộ phim sẽ được trình chiếu tại LHP Berlin năm nay, và Michel Houellebecq đóng vai chính Michel Houellebecq

Trong bộ phim này, ông bị ba tên tội phạm nghiệp dư bắt cóc.

Đạo diễn bộ phim này là Nicloux Guillaume, từng đạo diễn các bộ phim truyền hình như L'Affaire Gordji, Histoire d'une cohabitation.

Có thể đọc tin thêm và xem trailer trong cái link này.

Phim sẽ được chiếu ở Tây Ban Nha vào ngày 29-8 tới như hàng loạt hoạt động rầm rộ khác chào mừng sự kiện lớn trong tháng tám hàng năm.
Một độc giả sau khi đọc cái tin trển đã vô bàn rằng: Hổng biết phim có lấy cảm hứng từ một đoạn nào trong cái cuốn Bản đồ và vùng đất không - nếu có thì cũng hay lắm đa

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Phương Đông lướt ngoài cửa sổ



...Viết về du lịch là dạng thấp nhất của niềm đam mê lạc thú có tính chất văn chương: phàn nàn không trung thực, xuyên tạc một cách sáng tạo, khoa trương vô nghĩa và làm dáng kinh niên; đa phần những thứ đó bị bóp méo bởi hội chứng Munchasen - căn bệnh giả vờ mắc bệnh để được người khác quan tâm, được đặt theo tên một người nổi tiếng nói khoác ở Đức vào thế kỷ 18



Câu này  trích trong cuốn được mệnh danh là tác phẩm du ký kinh điển: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của tác giả Paul Theroux - cuốn sách được nhật báo Telegraph bình chọn là Một trong 20 cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại. (19 cuốn còn lại là những cuốn nào nhỉ?)

Còn ông (hay bà cũng nên) Jason Goowin viết trên tờ The Newyork Times là: Theroux đã đóng góp vào sự hồi sinh của thể loại du ký với Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, nâng thể loại thiếu sinh khí này ra khỏi chốn ẩn mình cô độc, đem cho nó một giọng chì chiết và gay gắt, đưa nó lang thang qua những trài nghiệm đến kỳ lạ của con người.

Cuốn sách này được viết tận những năm 1973, và giờ đây, lắm thứ đã vật đổi sao dời, những điều mà ông hẳn sẽ miêu tả, so sánh trong một cuốn có tên The Ghost Train to the Eastern Star, trong đó ông đã đi lại cuộc hành trình trong Phương Đông lướt qua ngoài cửa sổ 30 năm trước

Sách được Nhã Nam xuất bản bản tiếng Việt năm 2012 - đã mua từ dạo ấy - và chỉ bắt đầu đọc vào những ngày tháng 4, 5 gì đó của năm 2014, đọc để giết thời gian trong những chuyến đi, trong vài lần ngồi cà phê, và hoàn tất hôm nay trong một buổi làm việc chán chường.

Tôi đã đọc cuốn sách này với tốc độ rùa bò của những con tàu lịch sự Việt Nam. Lịch sự ở đây được dành cho những ai từng đi những chuyến tàu liên hiệp Huế - Sài Gòn sẽ rõ, chậm chạp, chờ đợi, và nhường nhịn đường cho những chuyến tàu khác.

Tôi nhớ những chuyến tàu Huế - SG mình từng đi thuở sinh viên. Tôi nhớ cái ao ước đi từ Sài Gòn ra tận phía Bắc, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Chỉ mới là Huế - SG và ngược lại. Có thêm một chuyến đi từ Nam Định vào Nghệ An, một chuyến từ Hà Nội lên Lào Cai. Nghĩa là vẫn đứt rời, cắt đoạn.

Những chuyến tàu, những nhà ga, những điểm đến... luôn có nhiều cảm xúc, kỷ niệm.. cũng đáng để viết, mà không biết phải bắt đầu từ đâu.