Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Chiều chủ nhật


Chiều qua, thể theo lời mời (mọc) từ cả tháng trời của vợ chồng nhà G, mình đã đến nhà G ăn tối. Dù những món ăn không đúng như danh sách mình đề nghị, nhưng bù lại cũng là một món mình thích – bánh tráng phơi sương cuốn thịt. Chỉ tiếc, trước đó, lại bị “gài bẫy” bởi món bắp rang (no mà không tăng cân – như lời nữ chủ nhân xinh tươi của căn hộ xinh đẹp) nên mình đã ăn không nhiều món bánh tráng cuốn thịt. Thêm nữa là, chẳng ai cuốn cho mình ăn, nên mình ăn ít thấy rõ.

Không định viết về cái buổi chiểu hôm qua, dù (suy) nghĩ về nó thì nhiều, từ khi nhận được lời mời cho đến cả khi ăn xong phủi đít đứng dậy đi về… vì sợ viết thì lại dông dài, người viết còn ngán huống gì đọc. Nhưng rồi lại viết vì sáng vô chỗ làm thấy cái nốt lẫn cái còm của những đương sự liên quan.

Buổi chiều hôm qua không hiểu sao làm mình liên tưởng đến những buổi chiều của ấu thơ, (dạo này đúng là tuổi già đã đến, hoài niệm miết). Đó là những buổi chiều chủ nhật có bốn gia đình chơi thân với nhau tụ tập lại (rõ thừa mấy chữ chơi rất thân với nhau, vì không thân, việc gì tụ tập). Nhờ đó, bọn con nít tụ tập chơi với nhau, và sau này số ít trong bọn đó có được những mối quan hệ gần gũi (thân thiết hay không thì tùy). Hình như, trong trí nhớ lộn xộn của mình, mình đã từng nghĩ (hay mơ màng nghĩ), nếu điều này được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác thì rất chi hay. Đến nay, thì chắc chắn câu trả lời là có mà mơ! Nhưng mơ thôi vẫn đủ đẹp rồi.

Trở lại thời quá khứ gần, tức chiều hôm qua. Trong buổi chiều hôm qua, tiếc quá là N, là Q. chỉ xuất hiện trong lời qua tiếng lại của mọi người bằng chuyện nhắc nhớ những kỷ niệm cách đây cả bốn năm năm trời, thậm chí hơn, và việc cập nhật tình hình cá nhân qua loạt câu hỏi “bữa ni răng rồi làm chi với ai”.

Theo thời gian già đi của từng cá nhân, những ngày tháng ăn chơi cứ vơi dần, vắng bớt… âu cũng là điều bình thường, nên.. ứng đúng trường hợp bảo toàn “việc ăn chơi không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ kiểu này sang kiểu khác”.

Âu cũng là, vui có thời, chơi có đoạn, và theo Tôn Nữ Hỷ Khương thì còn gặp nhau thì hãy cứ vui.

Sâu thẳm cuộc đời cũng là “trời cao đất rộng, một mình tôi đi” và “đời như vô tận, một mình tôi về, với tôi”.
Cùng nữa là “Tôi là ai, là ai…”


Quà tặng đính kèm: mời hát thêm bài ni 

Ngày mai anh đến cho em trọn ngày Chủ nhật
và anh đem đến cho em màu hồng tình yêu
Anh cho em ngày Chủ nhật !
yêu em ngày Chủ nhật !
bên em ngày Chủ nhật !

Còn cho em hết bao nhiêu mộng đẹp cuộc đời
để cho em sống em vui thật nhiều tình yêu
anh cho em và nụ cười !
cho em trọn tình người !
cho em thật là vui !

Anh cho ngày Chủ nhật
anh yêu em ngày Chủ nhật
Tiếng hát đó anh cho em
chiếc áo mới anh tặng em
Cho em vui ngày Chủ nhật
cho em đi ngày Chủ nhật
sẽ mãi mãi anh bên em
đến với em ngày Chủ nhật

Và khi ra phố bên anh thì mặc màu hồng
đường đông phố lớn đôi ta vừa đẹp vừa xinh
Anh đưa em vào đường tình!
Không ai đẹp bằng mình!
đôi ta thật là xinh!

(*): tiếc nữa chuyện tuổi già nên quên mất luôn ai là người đã gửi tặng mình bài ni.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Nỗi nhớ sân ga (P.1)


Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tầu đi đến những ga...
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

(Tế Hanh - Những ngày nghỉ học) 


1.      Cách đây hơn 15 năm, thời còn là sinh viên, mỗi dịp hè, tôi từ Sài Gòn về Huế. Lúc ấy, thời gian có nhiều và tiền thì ít, nên tàu lửa là sự lựa chọn thích hợp nhất. Tàu từ Sài Gòn ngang ga Đà Nẵng thế nào cũng dừng chừng 30 phút… (như để lấy sức trước khi leo đèo Hải Vân). 
30 phút là đủ dài để P. tranh thủ chạy ra ga, gặp tôi. Bạn bè mấy khi gặp nhau, 30 phút như thế cũng quý, cũng đủ để cho hỏi nhau dăm điều ba sợi. Trong một số lần như thế, hình như có cả N. (giờ vẫn ở ĐN nhưng từ đó đến nay tôi chưa gặp lại), cả T (giờ đang học ở Úc), cả Q. (giờ hình như đang sống ở Anh).
Ra trường, đi làm, thời gian ít đi, và tiền thì nhiều hơn, máy bay trở thành sự lựa chọn thích hợp hơn… và cũng vì thế, những khoảnh khắc 30 phút ở sân ga cũng ít lại… vì máy bay thì chẳng thèm đậu lại ở ĐN mà cứ thế vù luôn ra Huế. Mà ngay cả khi bây giờ, nếu có đi bằng tàu, chắc P. cũng sẽ ít có dịp tranh thủ ghé ra được như trước, vì có khi, giờ đó P. phải đi làm, hoặc cho con ăn, hoặc chở con đi học. Những lần 30 phút gặp nhau trên sân ga thực ra không nhiều, nhưng cũng đủ cho tôi và P. có một tình cảm bạn bè chân tình, thân thiết.
Thời gian vèo vèo trôi, mãi sáng nay, tôi và P. mới có dịp tái hiện lại 30 phút tương tự ở sân bay TSN, trong dịp P. từ ĐN “quá giang” Sài Gòn để đi Malaysia. Trong câu chuyện sáng nay, dĩ nhiên không thể nhắc về những kỷ niệm bạn bè ngày xa xưa ấy. 

2.      Nhớ ga tàu, nhớ chuyến tàu… càng không thể nào quên cái năm vào đại học và quyết định đi học xa nhà. Hôm rời Huế vào Sài Gòn học, bạn bè, em út tiễn đưa trên ga, sụt sùi quyến luyến. Tôi buồn vì xa bạn bè, xa nhà nhưng chẳng khóc. Loay hoay đùa chuyện này, chọc chuyện kia. Ở một góc riêng phía bên kia đường tàu, mẹ tôi nước mắt ngắn dài… nhưng tôi không kịp thấy. Mẹ lánh riêng ra một góc, không biết có phải vì để tôi có thêm thời gian với bạn bè, hay vì muốn giấu đi những cảm xúc buồn rầu phút chia tay? Khi bước chân lên tàu, trước khi tàu chuyển bánh, tôi kịp nhìn thấy những giọt nước mắt trên đôi mắt đỏ hoe của mẹ. Lúc ấy, không thể cầm được lòng mình nữa, cứ thế nước mắt lăn dài… trên mặt tôi. Thời gian tàu dừng ở Huế thì chỉ vài phút ngắn ngủi chứ không tận 30 phút như ở ga Đà Nẵng. Đoàn tàu đã xình xịch lăn bánh. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi muốn nhảy xuống tàu, chẳng đi đâu nữa. Sau đó, ba tôi có làm một bài thơ tặng tôi, mà thật tiếc trí nhớ tôi kém cỏi, chỉ thuộc (lỏm bỏm) được mấy câu đầu: “Hôm tiễn con đi mẹ khóc/ Trời thu Huế chợt heo may/ Con hiểu gì trong tiếng nấc/ Mẹ hiền xứ Huế chiều nay”. Tôi cũng có làm một bài thơ họa lại, nhưng thật tiếc, giờ chẳng nhớ.

3.      Tôi nhớ hoài những giọt nước mắt ấy của mẹ, và cũng nhớ hoài những cái hoa mẹ cầm lên đón tôi khi năm đầu tiên xa nhà đi học trở về ăn tết. Nhận hoa từ mẹ, lòng hạnh phúc vô cùng. Ấy là những bông hoa mẹ đã mua để dành chào đón tôi về. Và tôi biết, trong tất cả bạn bè của mình cũng đi về dịp ấy, chỉ có mình tôi được nhận hoa từ mẹ.

4.      Những lần sau đó, rồi cũng quen dần, nhưng lần nào tiễn tôi đi, mẹ cũng khóc. Và với những lần về, để mẹ ba khỏi nôn nao, và để cả gây không khí bất ngờ cho gia đình, tôi thường giấu gia đình ngày về. Và phần nữa, có một vài lần về như thế, trong dịp hè, tôi có tranh thủ ghé lại Đà Nẵng chơi với bạn bè một tối, một chiều… rồi mới nhảy tàu ra Huế tiếp. Cứ về đến ga Huế, hoặc đi xe ôm, hoặc nhiều khi đi bộ về tới tận nhà, vô tới cửa mới la lên ba, mẹ cho cả nhà vui. Những lúc đó, mẹ tôi vui lắm. Gương mặt mẹ sáng bừng một cảm xúc hạnh phúc mà tôi biết không câu chữ nào có thể diễn tả được.

5.      Có những thứ có thể tái hiện được như chuyện tôi và P. gặp nhau sáng nay. Nhưng những giọt nước mắt của mẹ dành cho tôi lúc tiễn đưa, và cả gương mặt sáng bừng hạnh phúc của mẹ, lúc đón tôi về… có muốn lắm, cũng không cách nào tái hiện được nữa, ngoài cách tái hiện trong nỗi nhớ.

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Nhân Dành cho tháng sáu

1. Là Dành cho tháng sáu, nhưng lại ra mắt dịp tháng 5, chắc vì thế ra rạp ít người coi. Hôm mình coi, rạp chỉ có ba người (mình + hai em sinh viên nào đó). Cũng đừng lấy đó làm buồn, vì hôm mình coi phim đoạt giải Oscar The Artist, thì rạp có năm người chứ mấy (mình + 2 em sinh viên + 2 anh chị). Nên lẽ ra:
a. Đặt lại tựa phim là Dành cho tháng 5, rồi cho ra rạp dịp tháng 5.
b. Đợi đến tháng 6 rồi cho ra rạp.
Dĩ nhiên, a và b là đùa cho vui đời, phim ra mắt đúng dịp các bạn học trò 12 chia tay một thời học trò, có khi cũng sẽ là một kỷ niệm đẹp cho những cháu ấy. (cháu vì tụi sinh viên bây giờ có gặp mình, toàn kêu mình bằng chú, huống là học trò 12)... Mong các bạn học sinh sẽ đi xem, và mong nhiều người có tuổi cũng đi xem để nhớ về một thời hoa mộng (nên nhiều khi mông mang họa).

2. Phim hay, dễ thương. Coi phim và mình nhớ những kỷ niệm thời học trò của mình, một thời mà một thằng làm thơ đã viết rằng:
Một thời đi và... chuồn học
Một thời vui buồn giận
Một thời chọc ghẹo nhau
Cái sự nhớ thời học trò ấy còn bị bồi thêm bởi một clip dễ thương khác, rất học trò ngày nay.


3. Và cái cảnh trong phim có đoạn làm ở Thái Nguyên cũng làm mình nhớ những ngày tháng lang thang đất Bắc, nhớ những ngày thích đặt chân ở các tỉnh lẻ... Cũng chẳng cần nơi đó có ai, có gì... mà chỉ cần là một nơi nào đó thật khác.

Những tỉnh lẻ như thế, thường thì việc chọn được một khách sạn như ý để ở, hơi bị khó. Chẳng thể google, vì các khách sạn ở đó như chưa chịu tiếp thị mình, và ngành du lịch lại chẳng mấy bận tâm những nơi như thế này. Việc tìm khách sạn vì thế lại hên xui. Tương tự thế là chuyện ăn uống, lang thang.

4. Đi nhiều, hầu như tỉnh thành nào cũng đã đặt chân đến... nhưng cảm giác ngay cả những nơi mình đã đặt chân đến, vẫn còn mới như cưỡi ngựa xem hoa; bởi lẽ thiếu một thổ địa dẫn lang thang, sục sạo, kể cho mình nghe về những câu chuyện về vùng đất đó, về con người ở đó...

5. Bao giờ có dịp trở lại Thái Nguyên? Và có ai đó dắt lang thang?
6. Bao giờ có dịp lang thang tỉnh này, tỉnh nọ? Và có ai đó dắt lang thang?


Như những lần dẫn bạn bè về Huế, mình vẫn dắt bạn bè lang thang.


Sài Gòn, ngày tháng và năm
Lại thèm được dịp ăn nằm... lung tung.
Ví dụ ngõ hẻm hang cùng.


Ba câu trên cải biên lại từ hai câu của một thằng làm thơ, nhớ mang máng là:


Sài Gòn, ngày tháng và năm
Thèm lên Đà Lạt, ăn nằm một đêm.


Ngay cả Đà Lạt, lâu lắm rồi mình cũng không đi. (May mà bù lại, có được đi những nơi khác)

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Loay hoay

Đọc cái tin hai ông nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền xách xe đi miền Tây, tự nhiên nhớ phim The Bucket list. 

Trong phim, hai ông bạn già: tỉ phú cô đơn Edward Cole (Jack Nicholson đóng) và Carter Chambers (Morgan Freeman), một ông thợ sửa xe bình thường có một gia đình hạnh phúc, tình cờ gặp nhau trong một lần nằm viện. Trước cái chết đã cận kề, cả hai bỗng nhận ra mình có quá nhiều chuyện muốn làm mà vẫn chưa kịp làm vì đủ thứ lý do trên trời dưới đất. Không thể phí thời gian chỉ để chờ chết, cả hai đã lập nên một danh sách chung những điều muốn làm trong đời và quyết tâm thực hiện. Nhờ vậy, những ước mơ tưởng bình thường thôi, nay đã thành hiện thực. Nhảy dù, đi săn, hôn một cô gái xinh đẹp, đua xe, leo núi, đi du lịch…, dự định dở dang ngày nào đã kịp thành hiện thực với áp lực thời gian và bệnh tật.

Nhớ bộ phim đó, thì nhớ bài viết này.

Những mâu thuẫn suy nghĩ lâu nay cứ cựa quậy, cựa quậy lại hối thúc thay đổi.

Đến bao giờ ta mới thực sự làm chủ cuộc đời mình?

Bây giờ hay cứ lần lữa mãi?

Liều một cú chăng?

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Tập thể dục và mẹ


Mấy em chê mình bụng dạo này bự, có em còn cà khịa “hồi nào bể bầu anh”. Có em thương mình hơn thì nói thẳng: “Vòng bụng càng to, thì vòng đời càng nhỏ đó nha. Anh coi chừng gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu hay tiểu đường thì nguy”. Em này phán cứ như vừa mới đọc xong kết quả khám sức khỏe định kỳ của mình không bằng. 

Bấy lâu chủ quan thì ít, lười biếng thì nhiều nên họa hoằn mới tập thể dục. Họa hoằn theo nghĩa là sáng nào nổi hứng bất tử mới đi vòng vòng dưới sân chung cư chừng mười lăm hai chục phút. Trước sự chê ỏng chê (cái) eo của các em lẫn mức dọa nạt bệnh tật như thế thì mình phải hạ quyết tâm nâng cao tinh thần thể dục (lần hạ quyết tâm thứ n).

Thực ra, chuyện mấy em chê, không mới. Chuyện mấy em cảnh báo, càng không mới. Vòng bụng mình từ lâu đã được đánh giá nếu ngồi đằng sau ôm tới, tìm hoài không thấy được lỗ rốn, tìm kỹ nữa họa may, thì được… hột nút. 

Cách đây mấy năm, hồi mẹ còn sống, mẹ đã báo động cho mình rồi. Không những báo động mà còn vận động mình siêng thể dục thể thao trước cho có sức khỏe, sau cho có vòng eo gọn gàng khiêm tốn. Mẹ bảo, không tiếc tiền mua tiền cho con, mà sợ tiếc tiền chăm con trong bệnh viện. Mẹ vận động mình bằng cách nói nhẹ có, nói nặng có, năn nỉ có, la mắng có… Mình cũng nghe theo một thời gian rồi kiếm cớ này cớ kia bớt thể dục để thêm ngủ bù (hic, đã bù mà còn thêm, đủ biết bụng mình vì sao to theo thời gian nha).

Mở ngoặc, nói thêm, nguyên nhân bụng to, thì không chỉ vì ham ngủ hơn ham thể dục thể thao, mà còn vì như lời một em mới nói với mình, anh nhớ ăn xong, đừng nằm ngay, vì thế bụng sẽ to, đóng ngoặc. Tưởng gì mới, hồi đó, mẹ cũng nhắc nhở mình hoài chứ gì, mình bữa nào nhớ thì sàng tới sàng lui bên bàn ăn, đi ra cửa, bữa nào quên thì cứ thế chui tọt vô phòng, ôm cuốn sách nằm lăn ra nệm.

Cũng như chuyện bỏ hút thuốc là dễ, bỏ mấy lần chẳng được, chuyện hạ quyết tâm cũng chẳng khó gì, lần này chắc chắn không phải là lần cuối. Nhưng xem ra, không biết vì lời nói của mẹ ngày nào giờ bỗng nhiên tăng vọt giá trị, hay vì sức nặng cộng thêm từ những lời tỉ tê của các em, hay vì cùng với tuổi tác, sức khỏe mình đang có chiều giảm sút… nên mình bắt đầu biết lắng nghe hơn. 

Vì thế thời gian thực hiện quyết tâm lần này có vẻ kéo dài ra hơn so với những lần trước. Tính đến thời điểm đang lóc cóc gõ phím khoe khoang chuyện làm siêng tập thể dục lần này, hình như cũng đã nhiều hơn lần nhiều nhất từ trước đến giờ được vài ngày.
Lý do gì không biết, nhưng chắc chắn một điều, lần này, cảm xúc khác nhiều nhiều lắm những lần trước. 

Có những buổi sáng, bật mình dậy theo tiếng chuông reo, lại thèm cái cảm giác nằm ì ra đó, được mẹ vào lay lay dậy, rồi nhõng nhẽo đòi mẹ đấm lưng, bóp vai… để sau đó mẹ chìu mình và còn “than” rằng: làng nước ơi, vô coi bà già gần sáu chục tuổi phải đấm lưng cho thằng con chưa tới ba mươi. 

Có những buổi sáng, đi bộ vòng vòng, thấy những người phụ nữ trạc tuổi mẹ đang tập dưỡng sinh, hoặc đang đi bộ, cứ mong trong nhóm ấy, có mẹ. Mẹ đang được hít thở khí trời, đang vươn vai, đang đếm rõ to những tiếng đếm… đầy khỏe khoắn.

Có những buổi tối, đi bộ vòng vòng, thấy ở cái hồ nước có người này người kia ngồi đó tám chuyện, nhớ hình ảnh của mẹ buổi chiều chiều vẫn xuống đó chờ mình về. Dù mình bảo, con giờ giấc lộn xộn, mẹ chờ làm chi, thì mẹ bảo, thì đi tới đi lui cho khỏe người, sẵn dịp chờ luôn, có sao đâu.

Có những buổi tối, đi bộ vòng vòng, thèm khi trở lên nhà, nhìn mẹ, để mình vênh cái mặt tự hào, và nổ “con đã đi cả hơn trăm vòng nhé, điều đáng báo với mẹ, là vì con xuống sân tập thể dục, nên các em nhà bên cũng xuống để đi theo quá chừng.”. Mẹ sẽ làm bộ như nghe mắc ói, và rồi lại cười: ừ, thì siêng tập thể dục hơn đi, vừa khỏe người, vừa có cơ may kiếm được vợ”.

Nhiều điều mẹ mong mỏi mình có được, đến nay, khi mẹ không còn nữa, mình vẫn còn chưa làm được một số điều, tiêu biểu như tập thể dục thường xuyên và lấy vợ. Mẹ ơi, dễ như tập thể dục mà con còn thấy khó khăn lắm lắm, huống là chuyện lấy vợ, mẹ ơi.

(*) Viết đã lâu, nay đăng nhân Ngày của mẹ (hôm qua), và nhân một thời gian rất dài không tập thể dục.