Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Vịnh cái đầu


Trước:


Đầu mênh mông hoang mạc
Chờ em cùng anh đi lạc giữa tinh cầu

Sau:

Tóc đã lên đều như đồng cỏ
Thảo nguyên anh chờ tay em làm vó ngựa tung trời.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Chuyện râu của Ràm


Trưa nay, tranh thủ đi cạo râu… vì mai về Huế. Chẳng phải để trẻ đẹp hơn đặng trong lúc chờ lên máy bay, có vô số các em xinh tươi nhìn và trầm trồ thán phục, thốt cả nên lời: “ôi, anh kia đẹp trai lồng lộng”. Mà vì nỗi nhớ sẽ kể dưới đây:

Cách đây hai năm, hối hả đổi vé để về Huế sớm hơn dự định. Rồi hối hả chạy (bằng taxi, chứ không phải bằng chân) từ sân bay lên ngay bệnh viện. Sau đó, hối hả chạy (bằng chân, chứ không phải bằng taxi) từ tầng trệt của bệnh viện lên phòng cấp cứu. Mẹ đang nằm trong phòng cấp cứu. Nghe thông tin ban đầu của ba mà mừng tưởng rơi nước mắt “mẹ đã tỉnh, nhưng đang ngủ”. Ba xin phép bác sĩ đặc cách cho mình vào thăm mẹ. 

Lúc mình vào phòng, cũng là lúc mẹ chợt thức giấc. Mẹ nhìn con, con nhìn mẹ, cầm tay mẹ và lòng mình cảm giác ấm áp vô cùng. Câu đầu tiên mẹ mấp máy môi khi thấy mình là “răng không cạo râu đi con?”. 

Sau lần cấp cứu ấy, mẹ đã sống (nói chính xác là vượt qua nhiều đau đớn để sống) với chồng, với con, với người thân, với bạn bè, với cuộc đời... thêm một khoảng thời gian nữa.

Thế đó! Giờ đây, mỗi khi cạo râu, hay chuẩn bị về Huế, mình thường nhớ cái mắp môi  ấy của mẹ, nhớ ánh mắt của mẹ nhìn mình, nhớ bàn tay mẹ run run trong tay mình, nhớ đến rưng rưng cả lòng.

Hồi mẹ còn sống, mẹ luôn phải càm ràm mình chuyện râu tóc. Bởi mình vốn luộm thuộm và lười biếng. Chuyện tắm, hay đánh răng mà nhiều khi mẹ còn phải nhắc nữa là chuyện cạo râu, cắt tóc. Cứ thế tóc tai mình lởm chởm, râu ria mình lùm xùm, để vài ba ngày mẹ phải nhắc “cạo râu đi con”, dăm ba tuần lại nhắc “cắt tóc đi con”.

Hồi mình xuống tóc (nhưng chẳng phải để quy y), mẹ cũng là người phàn nàn mình nhất. Mẹ bảo: "nhìn cái đầu ba trợn quá, bụi đời quá”. Mẹ chỉ cười (và chắc tự hào) khi nghe mình cho biết một sự thật như chân lý mặt trời mọc ở hướng Đông: “rất nhiều cô khen cái đầu này của con làm con đẹp trai hơn”. Cười, nhưng mẹ cũng bảo “mấy đứa nớ điên”.

Đến khi tóc mình dài lên, mẹ nói: “thôi, để dài lại đi, chứ đừng trọc lóc nữa”. Mình nói: “trời, con ba chục tuổi rồi mà râu tóc cũng không được để theo ý mình”. Từ đó, mẹ mới thôi không than phiền chuyện tóc tai. 

Có lẽ, trong mắt mẹ, mình chỉ lớn cái tuổi, chứ vẫn chưa trưởng thành… nên mẹ không nói chuyện tóc tai vì thấy mình lỳ quá. 

Hoặc cũng có thể nhìn hoài thấy quen, mẹ cũng như các cô mẹ từng bảo điên, đã đến lúc phải thừa nhận một sự thật rằng ừ thì đẹp, đẹp từng cm. Đẹp như một trái dưa hấu (chi tiết vịnh cái đầu mình này từng được mẹ nhắc trong một bài tản mạn chuyện ăn tết Sài Gòn).

Riêng chuyện râu, mẹ cứ phải nhắc đều…. và mình vẫn cứ hứng thì cạo, không thì để.

Trưa nay, lúc cạo râu cho  mình, cô em trong tiệm hớt tóc phát hiện và thủ thỉ: “Anh nhiều tóc bạc lắm”.

Tóc bạc, ừ, già rồi mà em, tóc không bạc mới lạ. Nhưng cái chi tiết tóc bạc này làm nỗi nhớ lại được dịp nối thêm nỗi nhớ. Nhớ ngày xưa có những lần nhổ tóc bạc cho mẹ. Và hình như cái sợi tóc bạc đầu tiên của mình, cũng do mẹ nhổ.

Cái răng, cái tóc là gốc con người. Nhưng nếu không có mẹ (với sự hợp tác sản xuất của ba) làm chi có con người (dù lắm lúc phần con nhiều hơn phần người) là mình, nói chi đến chuyện gốc với ngọn.

Và trong khi đang lóc cóc gõ bàn phím, lắm lúc phải dừng lại để ngăn mình không chảy nước mắt, khoe chuyện râu tóc nói trên để kể về một nỗi nhớ, một kỷ niệm với mẹ.

Mới đó mà đã gần một năm, ngày mẹ ra đi. 

Trong nỗi nhớ mẹ, lắm lúc, mình dằn vặt, mình giá như, mình ân hận, nhưng cũng nhiều khi, an ủi rằng, nên mừng cho mẹ đã thoát khỏi những đau đớn bệnh thật, thoát khỏi những đau khổ kiếp người.

P.S: Viết lại lần thứ hai. Lần một viết hình như ba trợn hơn, nhưng sau đó lỡ tay xóa mất, không kịp phục hồi. Lần hai, có vẻ đúng bản chất mình hơn: không ba trợn.

Và cả hai lần, đều cùng chung một nỗi nhớ đến rưng rưng. Chuyện sau đó trưa nay, mình có nhổ tóc bạc không, chắc sẽ có người tò mò khi đọc, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là chuyện râu ria. Chuyện muốn kể ở đây lại là chuyện khác. Cám ơn quý vị đã ghé ngang và đọc những dòng chữ này. 

Mừng cho những ai còn có mẹ.

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Chuyện PR

Gần đây, lác đác được đọc những tin, bài về một tác giả 10 tuổi viết tiểu thuyết. 10 tuổi mà viết được tiểu thuyết thì đúng thật là giỏi. Mình gấp ba lần tuổi ấy rồi mà chỉ mới viết được linh tinh trên blog. 
Trí nhớ tự nhiên linh tinh lùi lại 4 năm về trước, khi nhớ về một chuyện mà báo chí làm rùm beng lên, là cô bé thần đồng 9 tuổi viết văn người Mỹ Adora Svitak, với tác phẩm đầu tay viết năm bảy tuổi Những ngón tay bay....
Nào là giao lưu trực tuyến
Nào là giao lưu với các trường cấp 1, cấp 2
Nào là gây quỹ đọc sách...
Giờ với cậu bé 10 tuổi VN này, cũng đáng để ồn ào quá đấy chứ. 
Chắc là chuyện của PR nên ra tay mạnh mẽ hơn, bài nhiều chiêu hơn.

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Cốt lết

Không biết chính xác thì sẽ là cốt lết, hay cột lết. Giọng Huế (và Quảng Trị cũng vậy) trong cách nghe của người nơi khác thì khi phát âm dấu sắc thường ra dấu nặng. Bằng chứng là bạn bè tôi đi đâu cũng khuyến khích tôi hát bài Ca Dao tuyệt vời, tôi và em, để được phá lên cười khi tôi vừa cất tiếng: Cắt... nửa vầng trăng.
Nhưng đang nói chuyện cốt lết.
Ngày xưa, khi còn bé thơ, vẫn nhớ mỗi lần ba mẹ đi đâu, thì mẹ thường làm sẵn một chảo cốt lết chiên, và một nồi cơm, hai anh em tôi cứ thể ở nhà, sẽ tự biên tự diễn. Đó quả thực là những bữa ăn rất ngon... vì hình như, cũng không chắc chắn lắm, thuở ấy, thịt là một món ăn lâu lâu mới được ăn.
Nội dung liên quan đến cốt lết chỉ có vậy thôi, được nhớ và viết lại nhân trưa nay ăn cơm cốt lết. 
Giá mẹ còn sống, thì tối nay, hẳn ba đang mở trang này lên cho mẹ đọc; hoặc ít ra trong cuộc điện thoại tối nay, đây sẽ là một đề tài để nói.
Còn bạn? Chắc vẫn đang đánh vần lẫn phát âm chữ "Cắt" bằng giọng Huế?

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Ăn theo sát thủ đã ôm đầu mưng mủ

Ôi xứ sở sự lên gân thắng thế
Dẫu nỗi buồn té ghế
Niềm vui cũng chẳng được lên ngai

Mời đọc thêm: Thành ngữ cải biên: sành điệu gặp khó chịu

Mới xem thêm thì hóa ra trong loạt tranh của bạn Phong còn có một bức hình với hai câu:
Ác như con tê giác

Hôm nay không săn được con nào hả bố?


Ôi, cực kỳ thời sự với chuyện Tê giác một sừng đã biến mất tại Việt Nam. Nhưng tiếc là các báo không lấy để làm góc tranh biếm họa được vì cuốn sách đã được chụp mũ "phản cảm".

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Viết tiếp ca dao

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
Chuồn chuồn đúng thật rõ hâm...



Đói lòng ăn nửa trái tim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Hèn chi đói lả giữa đường

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Nào làm thơ nào


Bấy lâu mình đã nằm chay
Đến hồi nằm mặn thấy ngay sai lầm
Mặn chay là ở trong tâm (*)

*Version đầu tiên của bài nay không mặn đến thế ở chữ nằm, mà nó chay hơn ở chữ ăn, theo cà khịa của một người bạn thì nên sửa ăn thành nằm cho nó máu.

Cuộc đời duyên nợ, nợ duyên
Quanh đi quẩn lại thuyền quyên anh hùng
Cộng thêm một số đứa khùng

Trên đây là hai bài thơ mới nhất của dự định kiến tạo cái gọi là trào lưu thơ ba câu (ăn theo haiku của Nhật Bản). Có một số bài khác nữa đã làm trong đầu trên đường chạy xe từ nhà đến chỗ này chỗ kia và từ chỗ này chỗ kia về nhà.... nhưng giờ thì đã quên.

Nhân nói về cái trào lưu thơ ba câu, lại nhớ cái thời nổi hứng làm thơ thất bát, kiểu như là: Tôi yêu em, tôi rất yêu em/ Mà sao em lại chẳng thèm yêu tôi.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Cái bẫy suy tưởng của Ngày của kiến

>> lười đọc dài và lằng nhằng như bên dưới thì vào đây.

Hãy bắt đầu bằng một câu đố: Dùng 6 que diêm để xếp được 6 tam giác. Đó chỉ là một trong những trò thử thách trong chương trình truyền hình Bẫy suy tưởng được giới thiệu trong Ngày của kiến – một cuốn sách đầy hấp lực đợi chờ chinh phục người đọc ngay từ những trang đầu tiên.

Đó là hành trình thập tự chinh của một binh đoàn kiến đến từ Bel-o-kan tấn công Ngón Tay (tức loài người chúng ta). Đó là những vụ án ly kỳ với nhiều nạn chân chết mà thủ phạm cứ như là người vô hình. Đó là những nỗ lực “truyền giáo” đã gặt hái được kết quả: Ngón Tay là vị chúa trời của kiến… để kiến cũng có con hữu thần, con vô thần. Xã hội kiến và/hay xã hội người vừa khác nhau, vừa giống nhau, tất cả đã đan xen lẫn lộn như thực tế tồn tại vẫn thế: tỷ tỷ con kiến với vài tỷ con người. Nhưng ai, kiến hay người mới thực sự là chủ nhân của trái đất? Chúng ta là Chúa của kiến hay là những sinh vật nguy hiểm đe dọa cuộc sống của chúng? Thậm chí, kiến, mối, hay gián, hay chuột, hay loài người mới thực sự là xã hội văn minh, hoàn hảo?

Sau cuốn sách đầu tiên, Kiến, đã giới thiệu đến người đọc về một nền văn minh đầy kinh ngạc của loài kiến, nhà văn người Pháp Bernard Werber lại tiếp tục dẫn dụ người đọc trả lời một câu hỏi mới: Liệu có phải đã đến Ngày của kiến?. 


Cùng với câu hỏi ấy là nhiều câu hỏi triết học khác: Loài người chúng ta là ai, ở đâu trong vũ trụ này? Có thật đúng như trong mắt chú kiến 103, nhân vật chính của truyện, loài người hiểu biết rất kém về thiên nhiên quanh mình, và cứ tưởng mình là động vật thông minh duy nhất? (trang 632) Loài người bên cạnh 5 giác quan thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác phải chăng còn cần phải rèn luyện để phát triển 5 “giác quan tâm lý” khác là cảm xúc, trí tưởng tượng, trực giác, nhận thức vũ trụ, và cảm hứng như lời dạy của ông bố Jonathan dành cho cậu con trai Nicolas ở ngay dưới lòng đất? (trang 488) Cả những suy tư của kiến, “đâu là thời điểm tốt đẹp nhất? Đâu là điều thú vị nhất nên làm? Đâu là bí mật của hạnh phúc?” có phải cũng chính là trở trăn của loài người bao đời nay? (trang 466) Hay những suy tư của con người cũng đã mặc định theo kiểu giống nhau bằng cách quy mọi thứ theo các chuẩn mực và giá trị mà họ đặt ra, bởi họ hài lòng và tự hào về bộ não của họ? (trang 512)


Bẫy suy tưởng hay là những câu hỏi không ngừng về cách giải quyết vấn đề của cuộc đời, cuốn bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối hay là những lời giải đáp về vạn vật, chiếc máy thông dịch Đá hoa thị hay là cuốn từ điển Pháp – kiến, các sáng tạo ấy của Bernard Werber được xem như những đường chỉ, những nút cài, những móc nối kết dính hành trình khám phá, chinh phục của kiến, của người, và kết dính cả sự thấu hiểu lẫn nhau của người, của kiến. 


Khép lại 664 trang sách, để biết được kết cục số phận của những nhân vật từng mất tích trong lòng đất ở cuốn Kiến, để trả lời được câu hỏi liệu đã đến ngày của kiến, để sau đó cũng để hiểu tại sao người ta nói rằng Bernard Werber đã sáng tạo ra một phong cách văn chương mới: tiểu thuyết khoa học giả tưởng cùng chuyện kể triết học, tại sao cuốn sách này được dịch thành nhiều thứ tiếng, và được đưa vào chương trình giảng dạy ở Pháp về ngôn ngữ, triết học… thậm chí cả toán học.


Trở lại với câu đố ở trên: Dùng 6 que diêm để xếp được 6 tam giác, xin để lời giải dành cho bạn đọc tiếp tục động não, hoặc tò mò khám phá cùng trang sách. Và đây là những gì bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II của Edmond Wells gợi ý: Số sáu là con số đẹp để có thể xây dựng một công trình kiến trúc. Số 6 là số của sự Sáng Tạo… và ngôi sao David của người Do Thái tượng trưng cho sự hợp nhất tất cả các yếu tố trong vũ trụ. (trang 554).

Bạn đã sẵn sàng với 6 que diêm? Hay sẵn sàng phiêu lưu cùng Ngày của kiến?

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Đi lạc

Có những ngày trực, tương đối rảnh rỗi tí nhờ ít việc, nhưng chẳng thể làm việc gì có được sự tập trung cao độ... đúng kiểu môn ra môn, khoai ra khoai, tôi lại cho phép mình (chứ chẳng lẽ đợi sếp cho phép tôi) lượn lờ một số blog yêu thích, đọc này đọc kia.
Và thường thì nhờ vào những lúc như thế, tôi đi lạc qua blog người nọ người kia, bởi như một chân lý thuộc vào hàng danh ngôn tôi từng phát biểu: những người thú vị, thế nào họ cũng chơi với nhau, kiểu ngưu tầm trâu, mã tầm ngựa ấy.
Lắm lúc như thế, tôi đọc say sưa quên cả việc mình đang làm là trực. Rồi cũng sực nhớ ra, mình đang trực, thế là cáu tiết trở lại với việc trực.
Mạch đọc đã bị cắt ngang bởi những thứ tầm xàm, khó chịu lắm, nhưng dễ gì chui tọt vào lại cái cảm xúc đã có và đã mất ấy.
Biết làm sao hơn!
"Biết làm sao hơn!", câu này cũng na ná như cái câu mà thời gian gần đây tôi rất hay dùng "cũng không biết nói sao".
Đúng là những chuyện không biết nói sao thật, và thật lười suy nghĩ để nghĩ ra cách nói sao.
Tôi nghiệm ra là, có những điều mình suy nghĩ thật kỹ, nói ra vẫn trật. Có những điều mình buột miệng nói ra, càng trật... Đằng nào cũng trật, thật là cũng không biết nói sao.
Như những dòng lảm nhảm này, thoạt đầu chỉ định nói về chuyện nhiều khi ngồi làm việc mà lạc qua blog này, blog nọ... thế rồi lạc đến mức viết linh tinh thế này đây. Sau đó lại đá qua cả chuyện nói trật, và rất trật.
Vì sao như thế?!
Ôi, chẳng biết nói sao!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Tôi đi bằng nhịp điệu


Tối qua xem phim của Q. Tự nhiên cũng muốn viết vài điều, cho một số sự liên quan
1.      Với cái phim Căn phòng, mà mỗi cảnh như lời Q nói, là có thể pause lại, chụp hình, thì sẽ thành một postcard. Tấm postcard mà mình ấn tượng nhất sẽ là: tấm mà cô gái đút cho ông kia từng muỗng cháo/ cơm gì đấy. Ấn tượng không phải vì mình từng có (lúc nhõng nhẽo đòi) cô này cô kia đút ăn như thế, mà vì hình ảnh ấy làm mình nhớ những buổi ở bệnh viện Huế.
Những buổi ấy, lúc ban đầu, mình chưa quen đút cho mẹ ăn, nên khi đút cũng làm đổ ra ngoài (như trong Căn phòng vậy). Mình vẫn nhớ cái cảm giác đó, cái cảm giác mong mẹ sẽ ăn thêm một muỗng nữa, một muỗng nữa. Cứ dỗ dành mẹ, nói ngon, nói ngọt. Hôm qua, cái đoạn phim ấy, thiếu tí nữa thì nước mắt chảy.
2.      Với phim Ngày chủ nhật bình thường, dĩ nhiên, mình càng nhớ mẹ, nhất là cái đoạn người mẹ (Hồng Ánh đóng – sao mà Hồng Ánh đẹp thế không biết) nói chuyện với cậu con trai về người cậu đã chết. Mất đi một người thân là một ám ảnh, đúng nghĩa một ám ảnh.
3.      Nhắn tin cho A, một bạn trong nhóm Tổ Ấm mà có giai đoạn mình làm việc chung, hôm qua, tình cờ gặp lại , mình nhắc về đề tài đã cùng nhau nói trước đó. với nhóm. Viết đi, cái cảm giác của việc mất đi một người thân. Ít ra, để cho những ai đang còn cha, còn mẹ, còn đầy đủ người thân trong đời, hãy biết yêu thương, trân quý và chăm sóc những điều đang có.
4.      Chắc một ngày nào đó,  mình sẽ viết ra, cái cảm giác thực sự, lẫn những thay đổi tâm tính của mình (mà ngày gần đây, mình nhận ra) sau khi mẹ qua đời.
5.      Cứ muốn biến nơi này thành một nơi ai (lỡ) vào đọc, đi ra thì cũng chỉ tràn ngập tiếng cười, thế mà rồi cứ nói nhiều về những điều có vẻ như sẽ không vui cho lắm.

Nhưng buồn, vui thì rồi cũng là gì.

Nhiều khi đời chỉ muốn vui.
Thế mà túm lại ngậm ngùi nhiều hơn.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Buổi tối nằm nhớ mẹ, mẹ ơi!

Buổi tối nằm nhớ mẹ, mẹ ơi!
Không nói được nên lời
Chỉ thương mình côi cút

Biết nằm mơ thấy mẹ
Ráng dỗ mình mơ thêm
Để tự nhiên nước mắt
Bỗng chảy dài trong đêm

Buổi tối nằm nhớ mẹ, mẹ ơi!

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Vu Lan

Thương mình bông trắng vu lan

Mà mừng cho mẹ, Niết Bàn phiêu diêu

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Hắt xì

Ngồi chờ tuổi cũ đi qua
Và mong tuổi mới món quà: bình yên
(Nếu được thì có thêm tiền)