Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Cho tôi một vé về tuổi thơ

Tên sách của ông Nguyễn Nhật Ánh thì là: Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Tên phim tôi coi ở đây là: Cho tôi một vé về tuổi thơ.
Cả hai đều đáng xem.
Nhân tiện post lại bài này (đã viết cách đây hơn cả 5 năm, may nhờ người hâm mộ (hí hí) giữ lại, nhân:
a. Đi ngang qua đường Cộng Hòa thấy người ta bán tim sen, hạt sen...
b. Bỗng nhớ tuổi thơ


THÈM CHÈ HẠT SEN
      Viết trong nỗi nhớ món chè hạt sen!
Đêm qua không tài nào ngủ được, thế là tự nhiên thèm chè hạt sen kinh khủng. (Thèm dã man. Phải những từ mạnh vậy mới lột tả được cái nỗi thèm thuồng tối qua - mới hay, cái người hảo ngọt thì thèm ngọt bất cứ lúc nào, chẳng quan tâm chi đến chuyện thời gian, xem cái sự thèm đó có hợp lý hay không hợp lý). Thèm! Phải rãi cái chữ thèm này ra mới lột tả được cái sự thèm, và phải vòng vo một tí để thấy sự thèm nó có căn nguyên của nó.
Thèm chè hạt sen, trước tiên vì không ngủ được. Không ngủ được thì thèm chè hạt sen, vì theo các sách đông y, mười sách hết cả mười đều cho rằng, hạt sen có tác dụng giúp bạn ngủ ngon. Không tin, ai đang mất ngủ thì cứ đi ăn chè hạt sen đi thì biết.
Không ngủ được, vì không có ai ôm mà ngủ. (nói chung mọi tối không cần ai ôm cũng ngủ được, nhưng có một số tối, tự nhiên thường nổi hứng thèm ai ôm mới ngủ được. Cái chữ thèm trường hợp này thì không cần rãi ra như ở trên.) Không có ai ôm mà ngủ thì nhớ nhà. Không biết hút thuốc, nên đâu thể nhớ nhà, châm điếu thuốc, khói huyền làm sao bay lên cây, bèn nhớ qua chuyện chè hạt sen.
Vì ngày xưa, mẹ hay nấu chè hạt sen. Với mẹ, món chè này không chỉ giúp cho cả nhà ngủ ngon, mà còn là một công trình lao động tập thể.
Cứ vào mùa sen, mẹ hay mua hạt sen tươi về... để cả nhà quây quần làm món chè hạt sen. Ba sẽ phải ngồi lột vỏ, con sẽ phải ngồi khươi tim sen, em rửa hạt sen, và mẹ thì nấu chè. Một không khí đầm ấm dễ thương vô cùng. Món chè hạt sen này, hóa ra, không chỉ dừng lại ở việc giáo dục team work trong gia đình, mà còn góp phần rèn luyện một số tính cách. Ví dụ phải khéo léo mới được giao lột vỏ hạt sen, ba thì không được khéo léo nên hãy tập lột vỏ hạt sen đi mà khéo léo. Công đoạn khươi tim sen thì không chỉ cần khéo léo mà còn cả tỉ mỉ, cẩn thận. Cái này thì con xin thưa, con nổi tiếng nhác nhớm từ nhỏ, mỗi lần làm việc ni là thấy cả cực hình. Nhưng nhỏ mà không làm thì bị la, đành ngồi xụ mặt một đống khươi khươi móc móc. Kết quả của đống hạt sen là một số ít nát bét. Kết quả rèn luyện đức tính thì con sau này cũng chẳng siêng năng thêm là bao, nhưng tính thích bươi móc, cà khịa thiên hạ thì có thừa. (Cái này nhân tiện, chắc là vì mẹ áp dụng sai phương pháp, hehe). Em thích vọc nước (con nít đứa mô cũng thích vọc nước), nên được mẹ giao trọng trách rửa hạt sen là một điều rất phải. Chưa kể, em đã kiên nhẫn, và cẩn thận có thừa, chỉ nên giao những công việc như thế. Thực ra, hình như nhà mình cũng làm việc xoay tua, chứ không phải lúc nào cũng đúng như quy trình con kể. Cả cái chuyện lý do này kia, là con trong đêm nằm không ngủ được, nhớ nhà, tự phịa, tự cảm ra những lý do rất đỗi thuyết phục nêu trên.
Bây giờ ngồi ôn lại nỗi nhớ và nỗi thèm trên kia lại càng tự mình làm ướt áo mình bằng hành động chảy nước miếng. Thấy cứ phàm phu tục tử sao sao ấy, chẳng ra làm sao.
Bèn nhớ ba ngày xưa hay đọc mấy câu ca dao mỗi khi nhà nấu chè hạt sen. Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí (hay lý - quên rùi), nấu chè hạt sen. Chắc ý ổng nói, vợ ổng thương ổng lắm. Hồi xưa, nhác nhớm nhiều khi nổi lên, muốn nói, thương yêu chi mà bắt người khác phải dính dáng vậy nè. Bây giờ nghĩ lại, cũng nhờ ông bà dính dáng với nhau, mới lòi ra mình, nên chắc chắn sau đó, phải bắt mình dính dáng.
Nghĩ cũng là, vợ chồng đâu đơn giản đâu. Cứ tưởng râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon là được rồi. Ngờ đâu cũng phải có lúc cháo le le, canh bông bí (hoặc lý), chè hạt sen mới chịu.
Đọc mấy câu ca dao, rồi thấy ca dao tuyệt vời ghê. Nghĩ chuyện gia đình ăn uống này kia, thì lại thấy phức tạp. Nhưng quyết tâm tối nay, phải ăn một ly chè hạt sen. Mấy trăm năm rồi chưa ăn còn gì?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét