Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Thứ bảy nằm ngoan trong cái tổ

Chiều thứ bảy nằm ngoan trong cái tổ
Ta ngủ ngon, bằng cách ngáy khò khò
Giữa cuộc đời chán vạn nỗi lo
Ta hiểu vì sao, ta vẫn... mua vé số  

Chiều thứ bảy nằm ngoan trong cái tổ
Cái tổ buổi chiều thứ bảy nằm ngoan

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Thơ tặng em thấy trong kính chiếu hậu

Em không giấu được nụ cười trong mắt em.
Anh sa vào đó, bỗng dưng thèm
Đèo bòng đôi mắt muôn muốn kiếp
Và nụ cười ai lung linh thêm.

Chuyện viết thêm với khổ thơ này. Rằng khi đọc cho em nghe, em cám ơn lia lịa. Mình bảo: Ơ, anh có nói tặng cho em đâu. Em bảo: Nhưng em biết là anh tặng em. 

Khiếp!

Để thấy ở đời:
Đàn ông đôi khi nhẹ dạ chết cả cuộc đời vì một nụ cười.
Và đàn bà cũng nhẹ dạ khi cũng chết cả cuộc đời chỉ vì mấy câu thơ.
Chuyện này cũng không có gì lạ. Xưa Adam nghe lời xúi dại của Eva, và Eva thì hết chuyện đi tin cả lời con rắn độc.

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Sân ga - đời người

Nhắc về những sân ga, lòng ta luôn rạt rào lẫn dạt dào cảm xúc. Chắc là đời mê những xê dịch.

Thế nên, trong lúc nửa đêm về sáng, chực chờ một sân khác vốn cũng đem lại cho ta dộn dàng lẫn rộn ràng cảm xúc mang tên sân bóng đá, thì đây, đọc được thông tin này.

Theo đó: Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP) đang tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “Câu chuyện sân ga”.

Cuộc thi ảnh dành cho công dân Việt Nam tuổi từ 18 - 35, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, không kể nhiếp ảnh gia nghiệp dư hay chuyên nghiệp. 
Thí sinh có thể gửi 1 hoặc nhiều bộ ảnh dự thi, mỗi bộ ảnh không quá 10 ảnh, đến ban tổ chức qua email: cuocthi@unesco-cep.org.vn đến ngày 15-7-2014. 
Thời gian chấm điểm và chọn ảnh vào chung kết là từ ngày 15 đến 25-7. 
Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 02-8-2014.
Ảnh dự thi có thể là ảnh màu hoặc ảnh đen trắng với nội dung xoay quanh "sân ga" (được hiểu là điểm đi và điểm đến của một hành trình: bến xe, ga tàu lửa, sân bay, nhà chờ xe buýt) với 3 chủ đề: kiến trúc/cơ sở vật chất ở "sân ga"; chất lượng dịch vụ và chất lượng "sân ga"; những câu chuyện diễn ra trong không gian của "sân ga". 
Ban tổ chức sẽ chọn lựa các tác phẩm dự thi để làm thành 1 cuốn sách ảnh phản ánh tình trạng hiện tại của các “sân ga” và tôn vinh những nét đẹp nhân văn trong đời sống giao thông.

Phấn khởi sao y bản tin đăng vào đây, đặng hy vọng  với lượng view khủng của trang web cá nhân này có thể góp phần quảng bá cho một cuộc thi hướng đến sự nhân văn của đời sống vậy.

Ảnh minh họa: Khoảnh khắc đợi chờ của Nguyễn Xuân Hữu Tâm,
giải nhất của một cuộc thi ảnh Xuân do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức.

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Cải tiến

Cải tiến chính là dũng cảm đặt cược cho một trải nghiệm và phạm trù mới.

Howard Schultz (chủ tịch hãng Starbucks).


Cái sự líu nhíu chữ trên kia vậy mà cũng hay. Nó thể hiện được tinh thần cải tiến. Vì:
- đôi khi cải tiến rất dễ thành ra cải lùi.
- cải tiến nào cũng phải vượt qua quá trời những hàng rào, trong đó có cả hàng rào của chính bản thân dựng lên.

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Chuyện mua hàng

Và hình đây.


Chuyện giá sách

Chèn trước cái hình ở đây, và link nữa, cộng link thêm, khi rảnh sẽ dịch vậy.



Bên dưới đây thì là của ebook - biến mất đồng chí phát hành nên các anh khác thêm được chút chút. Nhưng giá ebook thì chắc chắn rẻ hơn giá sách giấy.


Kể từ khi xuất hiện tác giả đầu tiên trên thế giới (dù không biết tên là gì) đã viết cuốn Thiên sử thi của Gilgamesh (theo wikipedia thì Sử thi Gilgamesh là sử thi của người Lưỡng Hà và là một trong những tác phẩm văn học viết sớm nhất của loài người. Các học giả cho rằng nó vốn là một loạt truyền thuyết và thơ của người Sumer về huyền thoại của vị vua anh hùng Gilgamesh, sau đó nó đã được kết hợp vào một sử thi dài hơn tiếng Akkad.), cũng đã 35 thế kỷ. 
Từ đó, thế giới này tràn ngập các tác giả với đủ các loại ngôn ngữ và thể loại. Phần lớn các tác giả vẫn không thể sống nhờ vào tác phẩm của mình mà phải làm các công việc khác.

Đại lý/ đại diện tác giả (dịch là cò cho nó thuần Việt)

Xuất hiện từ thế kỷ 19, là đại diện cho tác giả tìm kiếm nhà xuất bản ngon lành nhất và trả tiền đậm nhất, và không phải tác giả nào cũng có đại diện này. Việc của tác giả là cứ chuyên tâm mà viết. Có một số quốc gia, như Pháp chẳng hạn, thì lại không có cái vụ cò này. Tác giả với nhà xuất bản liên hệ trực tiếp luôn với nhau, nhà xuất bản cũng lo luôn ba cái vụ bản quyền trên thế giới. Và một mô hình khác thì là mối quan hệ tác giả - cò. 

Tiền trả cho cò nó không liên quan gì trong cái chuỗi tiền cầu thành một cuốn sách cả. Hoặc là tác giả bỏ tiền túi ra trả, hoặc là nhà xuất bản trả, có khi là cả hai. Có những đơn vị đại diện tác giả có luôn cả chi nhánh ở nhiều nước khác. Các đại lý này cũng có thể thương thảo với nhà xuất bản về chuyện khai thác các giá trị khác của tác phẩm cũng như tiến cử cho các giải thưởng văn học.

Biên tập viên/ Nhà xuất bản

Về kỹ thuật, là thiết kế nên hình dạng cuốn sách. Đó là việc của nhà xuất bản, của biên tập viên: dàn trang, sửa lỗi, thiết kế, in ấn, quảng bá trên báo chí và internet, thương thảo với đơn vị phát hành và các nhà sách. Phần việc thứ hai là của biên tập viên, liên quan đến tác giả: tìm kiếm, phát hiện bản thảo, tiếp nhận bản thảo, và ký hợp đồng. 
Biên tập viên phải là người biết văn chương, được các tác giả tin tưởng, nói về tác phẩm, gợi ý gì đó, đồng hành thường xuyên cùng tác giả trong quá trình sáng tạo, như thể là cùng phát triển nhân vật. 
Thậm chí can thiệp đến kết quả cuối cùng của tác phẩm, bắt đầu từ chuyện tít tựa cho đến chuyện phong cách, ví dụ như cách mà biên tập viên Gorodn Lish và nhà văn Raymond Carver đã làm.
Người biên tập có thể có đội ngũ trợ lý để đọc bản gốc và/ hoặc tìm kiếm những bối cảnh toàn cục quốc gia, quốc tế.
Còn có cả chuyện tự xuất bản, xu hướng này ngày càng tăng.
Ở TBN, có 2.835 nhà xuất bản tư nhân và 352 públicas (chưa biết dịch sao - đang chờ trợ giúp, vì rõ ràng không thể hiểu kiểu đơn vị làm sách tư nhân và nxb nhà nước như kiểu Việt Nam). Có 20% tổng số đầu sách cũng được thực hiện ở dạng sách số.

Còn 4-5-6 nữa chưa dịch.
Đoạn 1 về tác giả, hiểu mà không biết dịch sao cho chuẩn cái câu sau: El primer autor o narrador, como decía Nabokov, es aquel que al calor de la hoguera en una cueva o en el descanso de una cacería se puso a contar alguna historia, o simplemente fue aquel que dijo: Viene el lobo, viene el lobo.”

 




Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Cách một khoảng

Del dicho al hecho hay mucho trecho.

À há, đây là một thành ngữ/ refrán mà tuy không dùng đến Google Traducir, mình mau chóng đoán được nó nghĩa "Giữa nói và làm luôn có một khoảng cách (bự chà bá)".

Làm sao để thu hẹp khoảng cách?

Hay thực tế cuộc đời luôn cách một khoảng. 

Có thêm một refrán khác: Haz bien y no mires a quien.

Nghĩa là: làm cho tốt đi và đừng ngó nghiêng (lẫn ngó ngửa).

À há, có khi cứ làm đi đã, tốt xấu đành phó mặc hên xui.

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Giải nghệ tuổi 100



Charles Aznavour, nhớ đọc trên Thể thao Văn hóa cái tên này. Nên khi đọc được tuyên bố: Sẽ giải nghệ ở tuổi 100 trên El País không thể không muốn đọc sâu, và lại tranh thủ tóm dịch (nghĩa là tóm lại và dịch một cái tóm tắt)



Hình: El País


Ca sĩ người Pháp Charles Aznavour nói chắc như bắp rằng sẽ không tổ chức sinh nhật ở tuổi 90 – trong dịp tháng 5 vừa rồi – vì ông để dành đến tuổi 100 sẽ làm luôn. Kỷ luật y chang một cái đồng hồ: ông dậy rất sớm, đi bộ một chút rồi tập thể dục; tắm và bắt đầu viết và nói chuyện điện thoại này kia. Đi bộ quanh khu vườn oliu của mình, và buổi xế thì xem chương trình truyền hình yêu thích Dans L’aire (Google phát hiện và dịch ra từ tiếng Pháp là Trong khu vực).

Minh mẫn và nhanh nhẹn, người-đại-sứ-âm-nhạc- Pháp này đã lên kế hoạch vài tháng nữa sẽ đến Mỹ để chuẩn bị cho một sô nhạc kịch, sau đó là đến Varsovia (tức thị Warsawa – Vácxava – thành phố lớn nhất và là thủ đô của Ba Lan từ năm 1596), rồi ngày 26-6 thì có mặt ở Liceo (Barcelona, Tây Ban Nha) và 1-7 lại có mặt ở Roma (Ý). “Làm việc, kỷ luật”, đó là hai từ, mà như ca sĩ này nói, chính là bí mật để giữ được sự dẻo dai. Ông muốn hiện thực hóa một viễn cảnh: “Giải nghệ ở tuổi 100.”
Aznavour đã phát hành hơn 50 đĩa nhạc bằng nhiều ngôn ngữ và đã bán được hơn 100 triệu bản. Ba lần kết hôn (có phải đây là lý do giúp ông đến 90 tuổi vẫn dẻo + dai – mở đóng ngoặc của người dịch), có 4 con và một cháu.
“Mỗi ngày sẽ hát một vài bài hát bằng tiếng Ý, Tây Ban Nha và tiếng Anh, chỉ để không quên ngôn ngữ, và viết một bài hát. Sau đó, tiếp tục làm việc với cuốn sách cuối cùng của cuộc đời.” - ổng nói. Aznavour đang đề cập đến việc tiếp tục hoàn tất ba cuốn sách mà ông viết, đều là dạng tiểu sử.
“Từ năm 10 tuổi, tôi đã phải ngưng học, vì thế, trường học của tôi chính là cuộc đời”, ông kể.
Bố mẹ ông trốn khỏi Armenia vì vụ diệt chủng năm 1915 và định cư ở Pháp.
Charles Aznavour – tên cúng cơm (nếu bên kia bờ đại dương cũng có vụ cúng cơm này) của ông là Chahnour Varinag Aznavourian – sinh ra tại Paris năm 1924 và rồi đời ông dính chặt với nghệ thuật dù ông khẳng định: không hề có ý định sẽ trở thành ca sĩ. Ông từng hát cặp với Liza Minelli, Frank Sinatra, viết bài hát cho Edith Piaf (người mà ông cũng đã sống chung hơn 8 năm và trong phòng ông ở hiện nay, đầy những hình ảnh của giọng ca La vie en rose này), cho Juliette Gréco, rồi hát đơn, và sau đó cả đóng phim với hơn 70 phim.

Đọc thêm ở Wikipedia thông tin này:

Vụ diệt chủng Armenia - cũng gọi là Cuộc tàn sát Armenia, Đại họa hay Thảm sát Armenia - là vụ trục xuất và thảm sát bằng vũ lực hàng trăm ngàn đến hơn 1,2 triệu người Armenia trong thời kỳ chính phủ của Liên hiệp Thanh niên Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ từ 1915-1917 ở Đế quốc Ottoman.

Được xem là một trong những vụ diệt chủng có hệ thống và hiện đại đầu tiên. Người ta cũng cho rằng sự kiện này là vụ diệt chủng được nghiên cứu nhiều thứ hai sau vụ Holocaust của Đức Quốc xã. Đến nay, 22 quốc gia đã chính thức công nhận đây là một vụ diệt chủng. Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ việc mô tả đặc điểm của các sự kiện này là diệt chủng.

Ấn tượng thứ n

Ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng.
Nhưng ấn tượng thứ hai thì sao.
À há, một câu hỏi hay. Còn ấn tượng thứ ba, tư, năm nữa chứ.
Nói một kiểu nào đó thì không có đầu tiên sao có hai, ba, bốn. Nhưng đầu tiên cho ngon mà hai ba bốn dở ẹc thì đầu tiên cũng vất.

Hai cái câu in nghiêng lấy ra từ cuốn Phương Đông lướt ngoài cửa sổ (Paul Theroux) - mua đã lâu mà nay mới đọc (nhờ vào việc dọn dẹp lại kệ sách của Z).

Ghi những dòng này, vì nhớ về một bài về sự học + đọc, thì rất nên ghi lại gì đó khi đọc. Chắc phải khôi phục lại cuốn sổ ghi linh tinh - cầm kèm những khi đọc sách, để ghi lung tung.

Và gõ những dòng này, vì cảm giác nhớ lại những chuyến tàu của thời sinh viên. Không có được cái cảm giác nhẩn nha nhởn nhơ như ông Paul Theroux vì cái tâm trạng hồi đó nó khác. Đi tàu chỉ vì đó là cái giá tiền phù hợp, và mong sớm đến nơi, bị hành hạ bởi những giấc ngủ vật vờ dưới ghế.

Những chuyến tàu giết (chứ không phải xài) thời gian bằng cách tụ tập đánh bài, tán gái, lẫn tán dóc, và ngủ (rồi thức dậy coi giờ).
Gõ hai chữ tán gái thì nhớ đến hai người. Một cô là nhân viên trên tàu S1 (đã quên mất tên) và một cô là sinh viên nha khoa dân Tam Kỳ học ở Sài Gòn (giờ nhớ đến với cái tên Con Cá, vì tình cờ gặp lại trong một lớp nhảy, và cổ nhảy như một con cá)
Và nhớ nữa những câu chuyện mẹ đứng ở một bên đường ray, nước mắt ràn rụa tiễn đứa con lên đường, bắt đầu một hành trình xa nhà. Và cả hình ảnh gia đình chào đón đứa con trở về bằng những bông hoa trên tay.
Nhớ cả hình ảnh những ngày - đêm vạ vật ở ga Hòa Hưng để kiếm cho được tấm vé về quê ăn tết. Chuyện của những năm 1996, mả xem ra vẫn còn y như cũ mỗi lần xuân về tết đến ở ga Hòa Hưng.

Đọc Phương Đông lướt qua ngoài cửa sổ, tự nhiên lại thấy thèm những chuyến tàu.

Giá những chuyến tàu VN ngon lành, thì đó sẽ là một gợi ý phát triển dịch vụ du lịch rất hay ho.

Ấn tượng đầu tiên về những chuyến tàu VN là nhếch nhác, trễ giờ.
Ấn tượng thứ hai, ba, tư, năm, sáu, bảy và chủ nhật là gì nhỉ. Chẳng biết.
Ấn tượng đầu tiên về chuyến tàu ở Nhật là sự quê mùa của một thằng đến từ nước kém phát triển đến một nước phát triển. Và sau đó là những ga tàu với quá trời cửa hàng sách.
Ấn tượng đầu tiên về chuyến tàu ở Anh cũng là những ga tàu với những cửa hàng sách.
Bây giờ thì nhớ những chuyến tàu, và những sân ga.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Ông bà đi kể chuyện



Ta nói: Nhân đọc cái tin Bánh xe tri thức đến với ngoại thành, liên tưởng đến cái bản đang dịch dở (cả nghĩa ẹc, lẫn nghĩa lở), nên đăng (đại) lên đây.
Bánh xe tri thức là một ý tưởng cực hay, nhưng nếu không làm thường xuyên... thì sẽ thành ra làm cho có.
Một việc mà làm cho có, hay cho có làm, thì đừng nên tính là việc đã làm.
Với cái bài mà ta dự định giới thiệu để chư vị đọc lướt lướt dưới đây, ta nghĩ hoàn toàn có thể nhân rộng


(bản dịch này chưa được gọt dũa, mông má, kèm với sự trợ giúp đắc lực của Wordrefenrence.com và Google traducir.)

Đây là câu chuyện về một nhóm người cao tuổi Argentina, với sự hỗ trợ của chính quyền, và của một công ty tư nhân, chuyên đi kể lại những câu chuyện một cách thu hút và quyến rũ nhất.
Bằng cách này, những người ông, người bà có thể đến với các em nhỏ, thiếu niên ở các trường học nông thôn, từ biên giới cho đến thậm chí cả ở những khu đô thị. Một tính cách quan trọng mà những ông bà cụ này phải có là bản thân phải có khiếu kể chuyện, biết cách dụ khị đám đông tập trung và thưởng thức một cuốn sách hay.
“Một lần nọ…” là câu nói diệu kỳ thường được dùng để bắt đầu bất kỳ một câu chuyện nào. Đến với thế giới của giấc mơ, ở đó, mỗi câu từ, thanh âm, hành động đều khuyến dụ người nghe du hành và tưởng tượng cùng những sự kiện, những nhân vật.
“Bà ơi, kể chuyện cháu nghe đi” lời mời mọc đến với thế giới tưởng tượng là cách bọn trẻ vẫn thường nói. Và cho dù cái công việc kể chuyện cổ xưa này tưởng như đã biến mất trong xã hội công nghệ và nghe nhìn đa phương tiện này, thì vẫn còn đó những người thích thú tận hưởng những lời kể, hay là biến những cuộc gặp gỡ tình cờ trong câu chuyện trở thành những mối giao tiếp đầy xúc cảm.

Đời sống của Lucy và Miguel vốn khác biệt nhau. Lucy Yanez (77 tuổi) từng học ở một trường dòng của Đức tọa lạc tại thành phố Puerto Octay, ở Lago Llanquihue, phía Nam của Chile. Ở đó, Lucy được học chữ và nhờ đó bắt đầu giấc mơ đánh thức những cuốn sách. Miguel Hamerszlak (83 tuổi) vốn là con trai của một gia đình Do Thái ở Ba Lan đến sống tại Argentina sau Đại chiến Thế giới I, đã có một tuổi thơ nhọc nhằn, đầy những lo toan. Mặc dù cha mẹ của cả hai đã không đọc cho họ nghe những câu chuyện, nhưng đã kể cho họ nghe những giai thoại của mình thời tuổi trẻ ở Âu châu.
Miguel đã học tiếng Castellano cách đây bốn năm, tiếp sau tiếng Idish. Bây giờ, sau khi đã sống một cuộc đời đầy trải nghiệm sâu sắc và phong phú với vợ mình - Susy, ông đã cùng Lucy, nhân vật chính của một nhóm kể chuyện, gồm 42 ông bà lão, tham gia những hoạt động của “Trung tâm đào tạo đọc trung gian” (centro de formación de mediadores de lectura).
Với nụ cười trên môi, họ đến với những ngôi trường, nơi họ được các em học sinh đón chào, hoặc đó là nơi họ được các cộng đồng mời đến.
Đâu là điều bí mất để duy trì sự thu hút đối với bọn nhỏ?
Dĩ nhiên, tôi hỏi câu hỏi này là vì với bọn trẻ ngày nay, thế giới của chúng đã đầy rẫy những hình ảnh mục sở thị, thay vì là những tưởng tượng.
“Phải có khiếu kể chuyện. Phải làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn đến mức người nghe hoặc phải cười, hoặc phải khóc.” – họ nói.
Họ đúc kết, điều quan trọng là phải biết trình độ học vấn của nhóm người nghe, tuổi tác, cấp lớp nào.. và nhiều điều khác nữa.
“Công việc của người hiệu trưởng là rất quan trọng bởi vì phải chuẩn bị nhiều thứ trước khi chúng tôi đến kể chuyện. Sự chuẩn bị đó vô cùng cần thiết để có thể hình dung được kỳ vọng của người nghe.” – Lucy nói.
Và bởi vì kể chuyện là một nghệ thuật, nên vì thế có thể huấn luyện.
Susy Zaudenberd (75 tuổi), vợ của Miguel Hamerszlak, từ Buenos Aires cùng với chồng mình, đến thành phố Mendoza nơi con gái họ đang ở. Bà ấy bị điếc, bất chấp điều này, vẫn tham gia vào các hoạt động kể chuyện như những người khác.
Thoạt đầu, Miguel phản đối chuyện đi theo bà và trở thành người đàn ông duy nhất trong nhóm 15 phụ nữ. Nhưng sau cùng, lại nhập cuộc và thậm chí “ghiền” hoạt động này.

(có thể còn tiếp, đón đọc nếu cũng ghiền)

Câu hỏi thảo luận: Liệu lúc về già, Càm Ràm ta có nên tham gia một hoạt động như vậy? Chỉ sợ, lúc đó bọn trẻ cứ đòi ta kể chuyện tình thì có khi cũng phiền.