Sách (một sản phẩm) giảm giá – người được lợi đầu tiên là
ai? Câu trả lời: người tiêu dùng (người mua sách – chưa chắc là người đọc,
hehe). Nguyên nhân giá sách đắt, chủ yếu
được giới xuất bản đưa ra lâu nay là do khâu phát hành chiếm phần chiết khấu rất
cao so với những phần còn lại.
Nay, việc nhà phát hành (Tiki và Vinabook) chủ động giảm giá
để đưa sách đến được với nhiều người tiêu dùng hơn thiết nghĩ chính là đã góp
phần giải quyết được cái thực trạng giá sách đắt. Nhưng, đụng vào nồi cơm của
nhau, các nhà phát hành khác la oai oái, đến mức nhà sản xuất phải nhúng tay khiến
hai nhà phát hành đang giảm giá phải đưa… giá sách đến tay người tiêu dùng… lên
trở lại.
Theo như NXB Trẻ (nhà sản xuất) cho biết, với đầu sách Chúc một ngày tốt lành (Nguyễn Nhật Ánh)
chiết khấu 35% + 10% ưu đãi nhân sinh nhật (24-3). Không biết mức này NXB Trẻ
dành cho tất cả các đơn vị phát hành, hay chỉ ưu ái một số đơn vị trong đó có
Tiki và Vinabook? Hay còn có thêm một số điều kiện khác, kiểu như A mua của tôi
x cuốn, thanh toán (trả tiền tươi, trả trong vòng y ngày, hay z tháng?) thì được
ưu đãi kiểu đó, còn ít hơn x cuốn (hoặc y ngày), anh chỉ được, ví dụ: 32% (chiết
khấu) và 8% (ưu đãi).
Nếu câu trả lời là các đơn vị phát hành đều được NXB Trẻ “cư
xử” công bằng với đầu sách Cho một ngày tốt
lành, thì đặt tiếp một câu hỏi là tại sao các đơn vị phát hành khác không
dám làm điều tương tự như Tiki và Vinabook đã làm.
Nếu câu trả lời là các đơn vị phát hành đã được NXB Trẻ “cư
xử” có phần khác nhau, nên trong trường hợp này, Tiki và Vinabook có được những
điều kiện riêng để giảm giá (mà các đơn vị phát hành khác không làm được) thì vấn
đề đặt ra sẽ là các đơn vị phát hành khác sao không tìm cách đạt được thỏa thuận
như Tiki hay Vinabook có được với NXB Trẻ.
Hai đơn vị đua nhau giành khách là tiki và vina đã chiết khấu
tới mức 46% (không bàn đến những chi phí nhân công , mặt bằng, giao sách… này
kia, tức là đơn vị phát hành chịu lỗ 1% so với tổng hai con số trên). Trong
chuyện kinh doanh, nếu chỉ nhìn vào con số này thì thấy lỗ, nhưng cũng phải
nhìn thêm đây là một trong những chiêu quảng cáo, thu hút khách hàng. Vậy phần
lỗ này, có thể được tính vô chi phí quảng bá. Nên bảo lỗ thì lỗ trên đầu sách
đó, chứ còn lời/ lỗ thực sự có khi nên tính thêm những điểm khác nữa. Ví dụ như
lỗ chừng đó tiền, nhưng có thêm được vài ngàn khách hàng mới; bán được thêm những
cuốn sách khác (tuy không giảm giá khủng nhưng nhờ cuốn này mà các cuốn khác được
biết đến…)
Giả sử bây giờ, một nhà sách khác chơi chiêu này thì có được
không? Tặng 1.000 cuốn sách này cho 1.000 khách hàng đăng ký/ sử dụng một dịch
vụ nào đó (mua một cuốn khác, làm khách hàng thường xuyên…). Liệu cách làm này
có phạm luật? Cách làm này có khiến những đơn vị phát hành khác la oai oái như
hiện nay?
Có phải tiki và vinabook giảm giá được trong khi các đơn vị
phát hành khác lại không thể vì chính các đơn vị khác chưa xử lý tốt chính những
bài toán kinh doanh của mình nên không thể giảm được giá tương tự? Hay vì những
đơn vị phát hành khác dùng kinh phí để đầu tư những dịch vụ khác tốt hơn khách
hàng nên không thể giảm giá? Vậy những dịch vụ khác tốt hơn là gì, hãy tìm cách
công bố điều đó để người đọc tiếp cận, so sánh và chọn lựa.
Với việc lỗ thấy rõ (cho chính đầu sách này), chắc chắn
Vinabook và Tiki chẳng dễ gì kéo dài cuộc đua. Vậy lẽ ra nên để chính hai đơn vị
phát hành này tự quyết định sức đua của mình thay vì nhà sản xuất tham gia vào.
Một khi quá sức chịu đựng của chính mình, các đơn vị phát hành sẽ phải điều chỉnh,
sao cho hài hòa lợi ích của chính mình (để còn tồn tại), với đối thủ (để còn cạnh
tranh), và với khách hàng (để còn có cung có cầu).
Không thể nói rằng, việc giảm giá như vậy tạo cho người tiêu
dùng tâm lý chờ khuyến mãi sốc mới mua hàng. Vậy việc các mặt hàng khác như mặt
hàng điện tử đang tung những chiêu khuyến mãi sốc không sợ mang lại tâm lý này
cho khách hàng?
Fan của Nguyễn Nhật Ánh liệu vì tiết kiệm vài chục ngàn đồng để
nuôi đó tâm lý chờ sách khuyến mãi rẻ hơn mới mua sau một thời gian hay sẵn
sàng mua ngay với giá chưa giảm? Giữa việc sớm giảm giá để đầu sách được tiêu
thụ nhanh, sớm thu hồi vốn với việc để sách giá cao nên bán chậm, thậm chí sau
đó ế phải giảm tới mức 60-70% (mà chưa chắc bán được), nên chọn lựa phương án
nào?
Nên trong chuyện dừng lại đợt giảm giá đặc biệt của Tiki và
Vinabook dành cho Chúc một ngày tốt lành
này, thấy có vẻ như các đơn vị sản xuất, phát hành chưa thực sự nỗ lực đem sách
đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng, chưa đứng về phía người tiêu dùng.
Trong lúc chờ đợi sự xoay trở mạnh mẽ của các đơn vị phát
hành lẫn xuất bản, người tiêu dùng là tôi đành sửa tựa sách của nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh là Chúc ngày một tốt lành vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét