Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Tạp chí: Sông Hương - Nghiên cứu và phát triển

Tít trên có ăn gian tí, đầy đủ phải là Tạp chí Sông Hương số đặc biệt và tạp chí Nghiên cứu và phát triển.
Muốn giật cái tít nào "câu" hơn tí nhưng lại bí. Nên đành tít trên.

Hình ảnh cũng chẳng thể kiếm được hình nào "câu" hơn, nên đành hình dưới.

Vừa mua được những tạp chí này ở Sách Hà Nội (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM), hoan hỉ la lên đây để biết đâu góp tay quảng bá.


Không phải vì sinh ra, và lớn lên (một đoạn đời) ở Huế, để mù quáng nói rằng: tiếng là tạp chí địa phương tỉnh lẻ, chứ chất lượng thì thuộc hàng đáng đọc, đáng xem.

Trong vai người đọc, cũng mạnh dạn càm ràm tí.

Chỉ tiếc phần trình bày, giá được quan tâm hơn tí, cho sang hơn, đẹp hơn, dễ đọc hơn... Chứ tình thật, nhiều trang thấy chữ li chi lít chít mà ngán.

Phần nội dung, giá mạnh tay biên tập hơn.

Còn sau đây là phát hiện "thế kỷ": mua tạp chí của Huế ở quán Sách Hà Nội tại TP.HCM: Bắc - Trung - Nam chưa?


Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Ăn theo tọa đàm “Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh”

Thực ra, không dự tọa đàm, chỉ vì đã đọc cuốn Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (và thích), (hai cuốn còn lại đã mua mà lần lữa sao chưa đọc), nên tò mò đọc những bài viết tường thuật tọa đàm. 

Gọi ăn theo, phải gọi là ăn theo mấy bài báo tường thuật mới phải.

Mới đọc được hai bài, mà đã muốn ăn theo rồi đây.
Bài trên TTO (đăng lại từ TT) thì vắn sờ tắt, bài trên VNE thì dài hơn.

Tâm lý đọc báo mạng thường siêng đọc ngắn hơn đọc dài, nhưng lần này để đọc tường đọc tận, cần/muốn đọc dài hơn ngắn.

Chuyện ngắn chuyện dài rồi sinh ra chuyện ăn theo như sau:

Ấy là trong cái bài trên VNE, có một đoạn như ri: Cách viết của Nguyễn Xuân Khánh cơ bản là cổ điển. Không sử dụng nhiều lối kỹ thuật của hiện đại và hậu hiện đại, nhưng cách viết truyền thống của ông được làm mới bằng tinh thần luận giải lịch sử - văn hóa. Không ít các ý kiến cho rằng, đôi khi Nguyễn Xuân Khánh bị hạn chế trong chính kỹ thuật tự sự của mình, để cho lời nhà văn lấn át lời nhân vật. Một số ý kiến khác cho rằng tiểu thuyết của nhà văn quá dài khiến người đọc mệt.

Cái câu cuối "Một số ý kiến khác cho rằng tiểu thuyết của nhà văn quá dài khiến người đọc mệt" làm mình ngạc sờ nhiên quá xá. 

Ơ! Nếu sợ đọc dài rồi mệt thì đừng đọc tiểu thuyết, đọc truyện ngắn đi cho khỏe, hoặc đọc truyện cực ngắn đi cho cực khỏe.

Hoặc là viết dở, đọc chán. Hoặc là viết với văn phong, với lối viết, với kỹ thuật, với từ ngữ gì gì đó làm người đọc cảm giác đọc mệt.... chứ sao lại là tiểu thuyết quá dài khiến người đọc mệt.

Và ngạc sờ nhiên là vì (một số) ý kiến này xuất hiện ở đâu mới phải chứ sao lại ở buổi tọa đàm.

Mình có lẩn sờ thẩn không? Mai mốt mình sẽ tập tành viết một truyện ngắn cực dài, và một tiểu thuyết cực ngắn... để xem người ta nói gì. Chỉ sợ chẳng ai đọc, haha, thì thôi.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Cám ơn gợi ý của Google

Số là có đăng ký trang này trang nọ để mỗi ngày mở mail một câu, trước đọc chơi, sau nhớ được thì nhớ, kiểu không bổ bề này, cũng hy vọng bổ bề khác.

Hôm nay gặp một câu như thế này:
Donde haya un árbol que plantar, plántalo tú. Donde haya un error que enmendar, enmiéndalo tú. Donde haya un esfuerzo que todos esquivan, hazlo tú. Sé tú el que aparta la piedra del camino.

Tác giả câu trên là: nhà thơ (poeta) người Chile tên là Gabriela Mistral.

Câu này được chính trang này trang nọ khi gửi cho mình, dịch sang tiếng Anh là:

Where there is a tree to plant, plant it. Where there is a mistake to correct, correct it. Where there is an effort that everyone avoids, do it. You be the one who moves the stone off the path. 

Tình cờ nhờ vả google dịch một từ khác sang tiếng Việt, nhưng dán nhầm cái đoạn trên, thế là ra như bên dưới:

Trường hợp có một cây trồng, trồng nó. Trường hợp là một sai lầm để sửa chữa, sửa chữa nó. Trường hợp có một nỗ lực để tránh tất cả mọi người, làm điều đó. Bạn là một trong những người di chuyển đá ra khỏi con đường. (Gabriela Mistal, nhà thơ Chile)

Ok, nếu tránh được sẽ tránh tất cả mọi người, hehe.


Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Số đẹp và thơ hay...



Tình cờ gặp số đẹp
Chụp lại và đăng lên
Đặng kiếm một chút hên
Chiều trúng số độc đắc




Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Cứt rán và làm ơn im đi được không? hay Câu view cũng được!


1. Cứt hay cức?
Theo Từ điển tiếng Việt của Phan Canh (NXB Mũi Cà Mau – 1999) thì là cứt.

Theo google thì là người ta hỏi ngay Có phải bạn muốn tìm cứt?

Sau đó, Wikipedia cho thấy chữ cứt có định nghĩa là Phân của người hay động vật, được thải khi ỉa. Chú thêm Đồng nghĩa: cức.

Tạm hiểu thoạt đầu là cứt, sau theo thời gian thành cức. Cả hai đều đúng là hôi... như phân.

Phải tìm hiểu chuyện trên vì đọc trong cuốn Họ đã trở thành của nhân vật của tôi (Hồ Anh Thái - NXB Trẻ), và gặp từ cức. Lúc gặp nó, mình đã lẩm bẩm cứt mà.

2. Sẵn từ chuyện cức, nhớ sang chuyện “rán”.
Ấy là đọc trong cuốn Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc (NXB Trẻ) thì thấy từ rán theo nghĩa gắng sức. 
Trong trình độ hiểu biết của mình gắng sức thì ráng mới phải. Lại nhờ vào Từ điển tiếng Việt của Phan Canh (NXB Mũi Cà Mau – 1999) thì:

a. Rán có hai nghĩa, nghĩa 1 ấy là chiên, nghĩa 2 ấy là gắng sức, rán học.
b. Ráng có một nghĩa: vẻ sáng chói của mây trời, ví dụ như Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa (tục ngữ)

Ráng/rán tra thêm google nữa (bố khỉ, giờ cái gì cũng goole, nhất là phim ảnh, hỡ cái lên máy tra tra cứu cứu, xem nhiều khi mất thích), thì:
a': Rán cho 8.380.000 kết quả (trong vòng 0.28 giây); 
b': Ráng cho khoảng 5.980.000 kết quả (0.26 giây).

Không biết là, nếu tìm thêm chừng 0.02 giây nữa, ráng có rán được kết quả nào không? Nhưng không biết cách nào nói Google rán tìm thêm từ ráng, đành hiểu rán đúng mới là gắng sức.

Nhưng lưu ý, ngủ thì là ngủ ráng nha, chứ không thấy ngủ rán. Kiểu như nướng mà không chiên. Ngủ ráng nghĩa là ngủ nướng, nhưng nướng không có nghĩa là ráng.

Tóm lại, có vẻ xu hướng rán thêm ký tự g nữa mới thành ráng theo nghĩa gắng sức. Suy luận này có được sự ủng hộ của Xa lộ từ điển và Vdict.

Từ cứt, qua rán, cũng loanh quanh chuyện đọc sách, nhớ qua cuốn Em làm ơn im đi được không? có hai THẢM HỌA (cố tình ghi hoa nha) dịch thuật mà mình phát hiện được, nay nên ghi lại, đặng nếu người ta tình cờ đọc qua cái blog này thì mai mốt có tái bản, nhờ thế mà sửa: 

- Trang 299, dòng thứ 3 từ trên xuống, chữ ang, trong khi phải là chữ anh mới đúng (câu gì không ghi lại nên quên rồi).
- Trang 335, dòng 12 từ trên xuống: bổ, trong khi đúng phải là bố.
Thế đấy, hừm hừm.
Nói chung, Chân mình thì lấm bê bê/ Tay cầm bó đuốc đi vê chân người, hoặc Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm…

Mình mà làm biên tập, có khi còn thảm hỏa hơn.
Gớm, bài này toàn nói chuyện sách, cứ như thể đọc nhiều lắm không bằng.

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

À ơiiiii



Ngày xưa có bậc kỳ tài/ Lên ba tuổi đã vươn vai anh hùng/ Cưỡi lên “ngựa sắt” vẫy vùng/ Nhổ tre ra trận muôn trùng giặc tan (Phù Đổng) hay Vương đem tướng mạnh binh hùng/ Phá Đông Quan – quyết chẳng dung giặc Tàu/ Lại ban quân pháp ngõ hầu/ Chỉnh quân binh đội các châu rõ ràng (Bình Định Vương ban quân pháp)… 

Thử tưởng tượng, những câu chuyện lịch sử, dã sử ấy của nước nhà chính là lời ru người bà, người mẹ dành cho đứa cháu, đứa con yêu thương của mình đi vào giấc ngủ. 

Nhà thơ Phạm Thiên Thư, bằng thể thơ quen thuộc của hát ru, và cũng là thể thơ mà ông thường sử dụng nhất – lục bát - để kể chuyện lịch sử, văn hóa nước nhà cùng người đọc bằng tác phẩm Hát ru Việt sử thi

Với 3.277 câu lục bát chuyên chở 44 vấn đề lịch sử và văn hóa Việt, từ trống đồng, trầu cau, Thánh Gióng, Tiên Dung… đến chuyện Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, nhà Trần, nhà Lê; nhà thơ Phạm Thiên Thư đã không chỉ khéo léo điểm lại những câu chuyện lịch sử mà còn qua đó ngợi ca những tấm gương vì dân vì nước.

Thêm hiểu, thêm yêu, thêm ham muốn khám phá lịch sử nước nhà là món quà mà Hát ru Việt sử thi trao gửi đến người đọc, và hơn thế nữa là những bài học làm người, như: Mai sau con lớn nên người/ Vì mình mà cũng vì đời ra công/ Đức tài con hãy ngước trông/ Chẳng tài về ruộng vun trồng cũng hay/ Đừng nên ông nọ bà này/ Buôn dân bán nước kéo cầy ngoại bang (Hát ru bể dâu) hay À! Ơi! Một dải giang sơn/ Hôm nay ta có phải ơn bao người/ Đất không tính giá vàng mười/ Tính bằng những lớp máu tươi anh hùng (Hát ru giang sơn)

Tập sách nói trên vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản cùng những tác phẩm như Từ điển cười, Từ điển đời

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Hacer barcos de papel

Gặp được cụm từ trên mà sướng điên lên được.
Xếp thuyền.
Vâng, xếp thuyền.
Trò chơi hay thói quen không biết mệt/chán của mình.
Nhớ những ngày học cấp ba, ăn rồi xếp giấy để đầy hộc bàn.
Nhớ đi đâu có tờ giấy cũng ngồi xếp thuyền.
Nhớ cả những tờ vé số mua dò không trúng đã xếp thuyền.

Hacer barcos de papel.

Hacer barcos de papel

Hacer barcos de papel

Hacer barcos de papel

Hacer barcos de papel

Hacer barcos de papel

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Cho tôi một vé về tuổi thơ

Tên sách của ông Nguyễn Nhật Ánh thì là: Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Tên phim tôi coi ở đây là: Cho tôi một vé về tuổi thơ.
Cả hai đều đáng xem.
Nhân tiện post lại bài này (đã viết cách đây hơn cả 5 năm, may nhờ người hâm mộ (hí hí) giữ lại, nhân:
a. Đi ngang qua đường Cộng Hòa thấy người ta bán tim sen, hạt sen...
b. Bỗng nhớ tuổi thơ


THÈM CHÈ HẠT SEN
      Viết trong nỗi nhớ món chè hạt sen!
Đêm qua không tài nào ngủ được, thế là tự nhiên thèm chè hạt sen kinh khủng. (Thèm dã man. Phải những từ mạnh vậy mới lột tả được cái nỗi thèm thuồng tối qua - mới hay, cái người hảo ngọt thì thèm ngọt bất cứ lúc nào, chẳng quan tâm chi đến chuyện thời gian, xem cái sự thèm đó có hợp lý hay không hợp lý). Thèm! Phải rãi cái chữ thèm này ra mới lột tả được cái sự thèm, và phải vòng vo một tí để thấy sự thèm nó có căn nguyên của nó.
Thèm chè hạt sen, trước tiên vì không ngủ được. Không ngủ được thì thèm chè hạt sen, vì theo các sách đông y, mười sách hết cả mười đều cho rằng, hạt sen có tác dụng giúp bạn ngủ ngon. Không tin, ai đang mất ngủ thì cứ đi ăn chè hạt sen đi thì biết.
Không ngủ được, vì không có ai ôm mà ngủ. (nói chung mọi tối không cần ai ôm cũng ngủ được, nhưng có một số tối, tự nhiên thường nổi hứng thèm ai ôm mới ngủ được. Cái chữ thèm trường hợp này thì không cần rãi ra như ở trên.) Không có ai ôm mà ngủ thì nhớ nhà. Không biết hút thuốc, nên đâu thể nhớ nhà, châm điếu thuốc, khói huyền làm sao bay lên cây, bèn nhớ qua chuyện chè hạt sen.
Vì ngày xưa, mẹ hay nấu chè hạt sen. Với mẹ, món chè này không chỉ giúp cho cả nhà ngủ ngon, mà còn là một công trình lao động tập thể.
Cứ vào mùa sen, mẹ hay mua hạt sen tươi về... để cả nhà quây quần làm món chè hạt sen. Ba sẽ phải ngồi lột vỏ, con sẽ phải ngồi khươi tim sen, em rửa hạt sen, và mẹ thì nấu chè. Một không khí đầm ấm dễ thương vô cùng. Món chè hạt sen này, hóa ra, không chỉ dừng lại ở việc giáo dục team work trong gia đình, mà còn góp phần rèn luyện một số tính cách. Ví dụ phải khéo léo mới được giao lột vỏ hạt sen, ba thì không được khéo léo nên hãy tập lột vỏ hạt sen đi mà khéo léo. Công đoạn khươi tim sen thì không chỉ cần khéo léo mà còn cả tỉ mỉ, cẩn thận. Cái này thì con xin thưa, con nổi tiếng nhác nhớm từ nhỏ, mỗi lần làm việc ni là thấy cả cực hình. Nhưng nhỏ mà không làm thì bị la, đành ngồi xụ mặt một đống khươi khươi móc móc. Kết quả của đống hạt sen là một số ít nát bét. Kết quả rèn luyện đức tính thì con sau này cũng chẳng siêng năng thêm là bao, nhưng tính thích bươi móc, cà khịa thiên hạ thì có thừa. (Cái này nhân tiện, chắc là vì mẹ áp dụng sai phương pháp, hehe). Em thích vọc nước (con nít đứa mô cũng thích vọc nước), nên được mẹ giao trọng trách rửa hạt sen là một điều rất phải. Chưa kể, em đã kiên nhẫn, và cẩn thận có thừa, chỉ nên giao những công việc như thế. Thực ra, hình như nhà mình cũng làm việc xoay tua, chứ không phải lúc nào cũng đúng như quy trình con kể. Cả cái chuyện lý do này kia, là con trong đêm nằm không ngủ được, nhớ nhà, tự phịa, tự cảm ra những lý do rất đỗi thuyết phục nêu trên.
Bây giờ ngồi ôn lại nỗi nhớ và nỗi thèm trên kia lại càng tự mình làm ướt áo mình bằng hành động chảy nước miếng. Thấy cứ phàm phu tục tử sao sao ấy, chẳng ra làm sao.
Bèn nhớ ba ngày xưa hay đọc mấy câu ca dao mỗi khi nhà nấu chè hạt sen. Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí (hay lý - quên rùi), nấu chè hạt sen. Chắc ý ổng nói, vợ ổng thương ổng lắm. Hồi xưa, nhác nhớm nhiều khi nổi lên, muốn nói, thương yêu chi mà bắt người khác phải dính dáng vậy nè. Bây giờ nghĩ lại, cũng nhờ ông bà dính dáng với nhau, mới lòi ra mình, nên chắc chắn sau đó, phải bắt mình dính dáng.
Nghĩ cũng là, vợ chồng đâu đơn giản đâu. Cứ tưởng râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon là được rồi. Ngờ đâu cũng phải có lúc cháo le le, canh bông bí (hoặc lý), chè hạt sen mới chịu.
Đọc mấy câu ca dao, rồi thấy ca dao tuyệt vời ghê. Nghĩ chuyện gia đình ăn uống này kia, thì lại thấy phức tạp. Nhưng quyết tâm tối nay, phải ăn một ly chè hạt sen. Mấy trăm năm rồi chưa ăn còn gì?!