Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Nắng, đường mới xa

12g45, vừa đọc xong Đường xa nắng mới của Nguyễn Tường Bách.

Sáng nay dậy trễ, hậu (hay kết) quả của những đêm xem Euro, với dự định học bài, nhưng sau đó lại ôm cuốn sách này đọc. 

Phải chăng, vì như trong Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu (Richard David Precht) đã trích lời phán của Schopenhauer:

“Bộ tư lệnh trong não không phải lý tính, mà là ý chí. Vô thức chính là cái ấn định cuộc sống và tư chất của chúng ta. Ý chí là tướng, và lý trí là quân. Lý trí không được tham dự vào các quyết định thực tế và các nghị sự bí mật của ý chí, lý trí chẳng hề biết đến những gì xảy ra sau lưng nó, Chỉ riêng ý chí nói với tôi nên làm gì, còn lý trí chỉ việc nghe theo lời ý chí.”

Và trong chuyện này ý chí (đọc cuốn Đường xa nắng mới) đã làm được cái nó muốn, và lý trí chỉ cung cấp cho nó một lời biện minh thích hợp (thôi lười học lắm, lúc khác học nha).

Chưa kể lười vì ham chơi, mà cuốn sách này lại nói nhiều về những trải nghiệm đi đây đi đó. Rồi còn một lý do biện minh thuyết phục khác, rằng đã đọc phân nửa trước đó, trong những lúc thức chờ đến các trận đá banh, cũng như những lúc dùng nó làm giải pháp dỗ giấc ngủ trở lại sau các trận đá banh. Nay, nên tiếp tục hành trình.

Hành trình trước đó đã được mở đầu bằng một câu của Khuyết danh in trong sách “Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở.” 

Cái tư tưởng này cũng hên xui, tùy theo cách hiểu tích cực hay tiêu cực. Tích cực thì khỏi giải thích cũng đủ hiểu nghĩa bóng. Tiêu cực lại cần giải thích theo đúng nghĩa đen: ví dụ như những lần đi ngang qua những nơi bốc mùi.”.

Đùa thôi, thậm chí, còn hơn cả đùa, là trong những trang gần cuối, bỗng nhiên lóe ra một câu khác, và đã ghi vào sách như sau: Đời người đo bằng lúc thở… đến lúc… tắt thở”, đã mở ngoặc có cũng như không danh, rồi đóng ngoặc.

Khép sách lại và nghĩ đến chuyện mở máy gõ vài dòng. Một cuốn sách lạ kỳ vì nhiều câu chuyện lạ kỳ trong nó, vì hàm lượng thông tin ngồn ngộn, vì vân vân và vân vân... Tiếc thay người ta chỉ in có mỗi 1.500 bản, trong khi, cuốn này hoàn toàn có thể in nhiều hơn thế, chưa kể hàng loạt cơ hội, tên tuổi để tổ chức những sự kiện giới thiệu.  Chắc rồi sẽ tái bản dài dài, nhưng tại sao phải thế để tốn kém thêm chi phí mà không in số lượng lớn từ đầu sẽ tiết kiệm hơn.

Và tác giả Nguyễn Tường Bách theo như trên bìa sách, sinh năm 1948. Con số 1948 làm mình liên tưởng đến VQ. Giờ này cũng đang vi vu trời tây. Liên tưởng thế và thấy vui, và có lẽ đó là lý do chính thúc đẩy chuyện mở máy gõ vài dòng.... mà bạn (vì - hoặc nhờ) một cơ duyên nào đó đang được (hoặc bị) đọc những dòng này.

Chúc đời mỗi người, không chỉ những người sinh năm 1948 và cả người sinh sau đó 30 năm, cũng như với bất cứ ai, sẽ có nhiều cơ hội được đi, bởi “Những ai đã đi đều biết đi là mở rộng tâm, là buông xả, là gia nhập vào một đoạn người…” (trích Đường xa nắng mới).

Và đi mà nhớ lời Goethe nói, mà Đường xa nắng mới cũng đã trích dẫn “đi để mà đi chứ không phải để đến.”.

Ràm ơi, đi hè!
Đi mô?
Đi mô cũng được. Miễn đi được rồi.
Rứa có phí không? Đi phải biết đi mô.
Nhưng đi để mà đi, chứ có phải đi để mà đến!

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Chuyện xác định... giới tính!

- Anh không xứng là đàn ông.
- Còn cô, đúng thật đàn bà.
Còn gì đau lòng bằng những lời đay nghiến nhau, kiểu nào hay kiểu khác. Và phải chăng kiểu đay nghiến giới tính cũng là một kiểu đay nghiến nặng lời.
Đàn ông mà không xứng là đàn ông, đàn bà lại thật đàn bà. Ôi chao, giá mà đừng phải nói với nhau những lời cay nghiệt.
Suy cho cùng, được làm đàn bà, cũng có cái sướng của đàn bà. Bị làm đàn ông cũng có cái khổ của đàn ông, và ngược lại.
Và bạn là les, là gay... thì cũng có những vui, buồn, sướng, khổ của đời người.
Nhưng ắt sẽ là bi kịch nếu bạn không biết mình là ai, trước tiên, khi không xác định rõ giới tính của mình gì.
Và có những em bé như thế. Cho đến nay, vì những dị tật bẩm sinh mà vẫn chưa biết được mình là ai, trai hay gái, les hay gay.
Hay giúp các em bé ấy để mua được một tấm vé xác định giới tính của mình, mà hơn thế nữa, là giúp các em bé ấy là có được một tấm vé đi đến... trưởng thành.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Ràm "rên" ni.


Chiều thứ bảy mưa… buồn. Dù đôi khi cuộc đời buồn của người này lại là vui của người kia. Nhưng trước tiên cứ nói chuyện buồn đã. Buồn thì không hẳn tâm trạng mình buồn, mà là nhìn trời buồn, đất buồn, cây cỏ buồn, vạn vật buồn. Và trường hợp chính xác ở đây thì mưa buồn… còn mình thì mình nhớ. Nhớ cái gì, từ từ đã nào, trình tự của nó là mưa buồn, và buồn dễ đâm ra lãng mạn, một từ tương đương từ sến.

Buổi chiều ấy, tức mới hôm qua chứ đâu, thèm có cái máy tính trong tay để gõ những dòng trên và những dòng dưới mà may thay không có, nhờ thế rảnh rỗi nhìn mưa. Cửa kính buồn. Con đường buồn. Cái lá buồn. Cái cây buồn. Cái dù buồn. Những chiếc xe máy buồn. Những cái áo mưa buồn. Nhìn mưa một hồi mỏi mắt mình chuyển sang đọc sách. Đọc sách một hồi cũng lại mỏi mắt mình lại chuyển sang nhìn mưa.

Khi mắt nhìn mưa, đầu lại nhớ người này người kia, và tràn ngập những kỷ niệm ni tê ni nọ nữa. Nhớ, muốn nhắn tin, điện thoại thăm hỏi mà rồi là thôi. Trước đây không cần suy nghĩ cản ngăn gì nhiều, cứ thế rút máy ra nhắn, việc mình mình nhắn, còn thì mặc kệ người nhận. Giờ thì lại không, mọi việc vắt dây, dính chùm lắm, chẳng giản đơn đâu. Có lẽ đây là một sự thay đổi lớn lao mà giờ nhìn lại thì chợt nhận ra, nhưng nhận ra thì cũng đã là thay đổi. 

Thôi thì thay đổi cũng tốt. Change is not a choice (chả là trong phim Adaptation có câu như thế). Còn luận về cái sự thay đổi của chuyện nhắn hay không nhắn, ấy là vấn đề thì chẳng qua nhiều khi thấy là: cũng chẳng để làm gì. Có thể người nhận vui đó, mà cũng có thể người nhận chẳng vui. Vui hay không vui đi nữa, rồi cũng chẳng đâu vào đâu.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa là khi cơn mưa đang ủ ê ngoài kia thì mình lại ngồi trong một quán cà phê cũng có cái tên rất mưa: Rainy Café.  Quán cho nghe toàn những bài xưa xửa xừa xưa, nghĩa là xưa gần có mà xưa xa cũng có. Và thế là những bài hát ấy góp phần bồi đắp cho cái sự nhớ mênh mang, miên man, linh tinh, lang tang, lung tung từ người này sang kỉ niệm nọ. Và cuốn sách mình đọc thì cũng ra chiều thủ thỉ tâm tình tác động chuyện nghĩ ngợi lan man. 

Và nhớ à, nhiều khi buồn có, vui có, nhiều khi dễ thở có, nhiều khi tức ngực có!

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Viết tiếp sân ga (P2)

Hồi viết sân ga và mở ngoặc P1 rồi đóng ngoặc nghĩa là đã có ý nghĩ sẽ viết phần 2. Đã nhiều lẫn gõ 4 chữ Viết tiếp sân ga rồi lại xóa, làm chuyện khác. Giờ chẳng hiểu sao lại ngồi gõ tiếp khi chỉ ít phút trước mới xóa và quay sang đọc sách.

Mình giờ như con tàu nằm lười ở sân ga chẳng muốn đi đâu. Thỉnh thoảng chỉ muốn kéo một tiếng còi tàu dài. Trong sâu thẳm thì vẫn ham chơi, nhưng lười vẫn hoàn lười.

Dông dài thế bay cha 100 chữ. 

Cứ coi như nãy giờ là cái kiểu ngồi một góc sân ga nào đó nhìn người qua lại, đón đưa. Cũng không biết từ bao giờ, thích lang thang những ga tàu... giờ nhớ gì đánh số đó.

1. Ga Huế, hồi nhỏ nhỏ, hay được ba mẹ dẫn lên ga Huế để ăn chè. Có một bà, ba vẫn gọi là bà mợ, tuổi cỡ bà ngoài và bà nội mình bán chè ở ga. Hồi đó, còn có nhiều chuyến tàu dừng ga Huế về đêm, và thời gian dừng cũng lâu nên chắc mấy hàng ăn đêm vì thế mới có cơ hội đắt khách. Vừa mới suy luận vì sau này thấy ga Huế đã ít những hàng quán như thế, chỉ còn những hàng bán trà đậm đặc, kẹo mè, thuốc lào... mà chừng 12g đêm, công an đã đi thổi tuýt tuýt thôi về ngủ hè.

7. Ga Huế là nơi mình thích ghé. Lần nào về Huế cũng muốn ghé. Có khi ghé ngồi một mình, có khi dẫn bạn bè ở nơi xa về chơi ghé cho biết. Có khi hẹn bạn cũ ở đó. Uống trà chơi. Chứ mình không hút loại thuốc nào nên thuốc lào càng không. Những quán trà ở ga Huế là một nơi tụ tập đàn đúm của giới trẻ, nhất là các bạn sinh viên... Có nhiều dịp la cà nhìn quanh nhìn quất ở đó, cũng thú phết.

3. Ga Nha Trang: Hồi đó, tàu từ Huế vào SG thường dừng ở Nha Trang khoảng 1g sáng, và dừng cũng khá lâu. Cứ nhớ hồi đi học đại học, ngang ga Nha Trang, cứ thèm chạy ra khỏi cửa ga cho biết ngoài ga nó như thế nào. Đọc chữ thèm đủ biết hồi đó chả dám. Mãi tới năm thứ 4 trong một dịp hè, mới cùng một thằng bạn đi theo một cô bạn về Nha Trang chơi cho biết. Cái cảm xúc lần đầu ra khỏi ga Nha Trang lạ thay giờ chẳng nhớ gì. Nhưng cái cảm xúc rời khỏi ga Sài Gòn mùa hè đó thì vẫn nhớ. Đó là cô bạn ôm mình nhấc bổng lên giữa sân ga. Hồi đó, thấp bé nhẹ cân. Bây giờ, thấp bé nhưng đã nặng cân. Giờ cô bạn ấy ở HN, hầu như lần nào vô SG cũng alo hẹn cà phê.

9. Ga Vinh: đặt chân đến ga Vinh vào khoảng 5g sáng một ngày nào đó.... trong một nỗi háo hức. Nhưng cái nhớ nhất lại là món xôi bán ở gần ga. Giờ nhắc ga Vinh chỉ thèm món xôi đó. Tiếc là quên mất tên xôi mà lại lười trợ giúp của google.


4. Ga Sài Gòn: có lẽ cái nguyên cớ gắn bó với ga này nhất là cái cảm giác lạ lẫm mỗi lần đi tàu từ Huế vào. Xuống ga thì cứ lạ lẫm vì mới hôm qua còn nghe giọng Huế, sao hôm nay nghe toàn giọng Sài Gòn. Và có lẽ cũng vì một thời kỳ ở trọ trên đường Nguyễn Thông, cứ mỗi tối thường ra ga ngồi nhìn người đi qua, đi lại. Tối cuối tuần hoặc thi thoảng có lương làm thêm thì ra bưu điện trong ga gọi điện thoại ra nhà. Cái thời mà khi gọi phải canh đúng con số giây 59 thì cúp máy để đừng chạy qua phút mới. Ngồi với bạn bè ở ga Sài Gòn cũng nhiều, đón cũng nhiều, tiễn cũng lắm. Một hôm ngồi ở đó mà nhận ra bản chất cuộc đời là hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế, chẳng hiểu sao không hiểu theo chiều ngược lại.

13. Ga trong một truyện ngắn nào đó của Khánh Liên. Đến giờ này vẫn chưa biết mặt mũi cô này, nhưng luôn hăm hở chờ truyện của cô để đọc... từ sau cái truyện ngắn về một sân ga tỉnh lẻ nào đó. Trong đầu cũng mong dịp nào đó lang thang trên cái sân ga tỉnh lẻ ấy, nếu được thì dĩ nhiên, với cô Khánh Liên để nghe cô đọc... truyện ngắn của cô.

6. Ga Hà Nội, ga Lào Cai, một lần trải nghiệm cho chuyến đi Sa Pa. và tùm lum tà la những sân ga khác nữa, như ga Nam Định, ga Diêu Trì, ga Quảng Trị, nhớ chẳng bao nhiêu, nhạt nhạt nhòa nhòa.

2. Ga Đà Nẵng: những bạn bè Đà Nẵng kể ra cũng đã ít nhiều nhắc trong phần 1.
Cũng định viết thêm về những sân bay nhưng thôi chắc dành cho một phần 3 nào đấy nếu đủ siêng.